Mục tiêu 5 sao của sản phẩm OCOP huyện Phúc Thọ
OCOP (One Commune One Product) là chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Thủ tướng Chính phủ thực hiện trên phạm vi toàn quốc, gắn với xã nông thôn mới trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm OCOP thuộc 6 nhóm: Thực phẩm, đồ uống, dược liệu, vải-may mặc, lưu niệm-nội thất-trang trí và dịch vụ du lịch; được đánh giá qua 3 cấp huyện-tỉnh-trung ương với các quy định về điều kiện sản xuất, công bố chất lượng sản phẩm, kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm… Nông sản muốn đạt 4 hoặc 5 sao bắt buộc phải có chứng nhận của các hệ thống quản lý chất lượng như ISO 22000, HACCP, VietGAP, nông nghiệp hữu cơ…
QPTĐ-Thực hiện Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội, những năm qua, huyện Phúc Thọ đã đẩy mạnh chương trình và chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể, địa phương đầu tư sản xuất, làm mới những sản phẩm truyền thống trên địa bàn. Đặc biệt là từ đầu năm 2021, huyện đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh hoàn thiện sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng.
Chuối Vân Nam là sản phẩm OCOP 3 sao, đặc sản tiêu biểu của huyện Phúc Thọ.
Đến nay đã phát triển được 50 sản phẩm OCOP. Trong đó, 25 sản phẩm được Thành phố đánh giá, phân hạng đạt 4 sao và 25 sản phẩm đạt 3 sao. Định hướng mục tiêu Chương trình OCOP 2022 và thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất; rà soát các nhóm sản phẩm có tiềm năng để hỗ trợ phát triển, hoàn thiện. Huyện cũng đã xây dựng các đề án thành phần nhằm phát triển 4 sản phẩm gồm: Hoa-cây cảnh, bưởi, chuối và thịt lợn sinh học VietGAP, phấn đấu xây dựng thành các sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao.
Điều đáng ghi nhận là, khi được lựa chọn tham gia chương trình OCOP, chủ thể (HTX, tổ hợp tác, cá nhân) đều có hướng sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn, thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô và đặc biệt là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Người sản xuất đều mong muốn, sản phẩm mình làm ra được công nhận, được đánh giá, được nâng hạng, gắn sao để nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Chuối Vân Nam là một ví dụ. Sản phẩm “Chuối Vân Nam-Phúc Thọ” trồng từ giống chuối tiêu hồng cấy mô không biến đổi gen (Non-GMO) do Viện Rau quả Trung ương nghiên cứu sản xuất, cho sản phẩm chất lượng cao, đồng nhất. Chuối được trồng theo quy trình VietGAP, vào thời điểm cây chuẩn bị ra hoa, người dân dùng phân chuồng ủ mục bón gốc cây để bổ sung dinh dưỡng giúp quả to, đều. Khi buồng chuối được 20 ngày, sẽ dùng nilon bọc buồng để che sương, tránh gió làm thâm quả và hạn chế côn trùng đốt. Chuối già sẽ được thu hoạch và làm chín bằng công nghệ giấm lạnh nên mã đẹp và an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chủ sở hữu nhãn hiệu là HTX Nông nghiệp Vân Nam, sản phẩm bảo hộ nhãn hiệu là quả chuối tươi. Hiện chuối Vân Nam là sản phẩm OCOP 3 sao, đặc sản tiêu biểu của huyện Phúc Thọ. Ông Doãn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam cho biết, xác định chuối là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương nên hợp tác xã vận động người dân duy trì vùng sản xuất và ứng dụng khoa học-kỹ thuật, giống mới vào nâng cao năng suất, chất lượng. Hợp tác xã tiếp tục nghiên cứu, đầu tư máy móc để chế biến chuối sấy dẻo, chuối sấy lạnh..., nâng cao giá trị sản phẩm, đạt mục tiêu OCOP 5 sao của huyện.
Để đạt được mục tiêu 5 sao cho 4 sản phẩm OCOP chủ lực, huyện Phúc Thọ chú trọng đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp về tăng số lượng, chất lượng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phối hợp với các sở, ngành kết nối giao thương, tiêu thụ…Chỉ khi sản phẩm OCOP khẳng định được uy tín, được người tiêu dùng đón nhận và chiếm lĩnh được thị trường mới có thể sản xuất kinh doanh lâu dài và bền vững.
TRANG ANH