Thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
QPTĐ-Nhanh chóng đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn là yêu cầu đặt ra trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Internet)
6 nhiệm vụ phục hồi kinh tế-xã hội
Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ xác định rõ 3 mục tiêu chính gồm: Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn. Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân. Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022, để quyết liệt triển khai thực hiện và phát huy ngay hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trong Công điện, Thủ tướng nêu rõ những biện pháp như: Triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023) theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo đảm sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng tốt với các diễn biến tình hình dịch bệnh. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, khai thác hiệu quả các dư địa, thúc đẩy tích cực tăng thu ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các năm 2022-2023 của từng bộ, ngành, địa phương. Chủ động rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững.
Hoàn thành dứt điểm một số nhiệm vụ trong tháng 3
Để quyết liệt triển khai thực hiện và phát huy ngay hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng tiếp tục ra Công điện số 252/CĐ-TTg. Công điện yêu cầu trong tháng 3/2022, các bộ, cơ quan hoàn thành dứt điểm một số nhiệm vụ:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hoàn thiện danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn trong 2 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 của Chương trình, báo cáo cấp có thẩm quyền. Khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2022-2023. Nhanh chóng ban hành hướng dẫn các bộ, cơ quan xem xét, quyết định các trường hợp chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội trước ngày 20/3/2022.
Bộ Giao thông-Vận tải khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao, nhất là các nội dung liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đánh giá tác động môi trường, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng và thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 2 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 thuộc lĩnh vực y tế, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/3/2022.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy nhanh phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo… theo chức năng, nhiêm vụ của mình khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đã đề ta.
P.Linh