A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ vọng xuất khẩu gạo tăng vào cuối năm 2021

 

QPTĐ-Nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao. Sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu dự kiến khoảng 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Một số thị trường dự kiến tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines (tăng 13%), Côte d'Ivoire (tăng 9,1%), Ghana (tăng 5,6%) và Liên minh châu Âu (EU) (tăng 2,1%). Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai là EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Đại dịch Covid-19 khiến cho xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dự báo xuất khẩu gạo trong những tháng còn lại của năm 2021 sẽ khởi sắc hơn do nhu cầu tăng.

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm 2021. (Ảnh: Internet)

Cạnh tranh xuất khẩu gạo trên thị trường

Từ tháng 4/2021 trở lại đây, xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn, khi nhiều thị trường giảm lượng nhập khẩu gạo do bão hòa vì đã đẩy mạnh nhập khẩu từ năm 2020. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy, trong 7 tháng năm 2021, mặc dù giá gạo bình quân tăng khoảng 53,5 USD/tấn, lên mức 540,68 USD/tấn, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,5 triệu tấn với giá trị khoảng 1,9 tỷ USD, giảm 12,7% về lượng và 3,1% về giá trị.

Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất, hầu như rất ít hợp đồng được triển khai trong bối cảnh hiện nay, cả bên bán và bên mua đều giao dịch cầm chừng. Giá gạo xuất khẩu đã giảm mạnh trên 100 USD/tấn, xuống còn 380-390 USD/tấn với gạo 25% tấm, kéo gạo xuất khẩu xuống mức giá thấp nhất trong vòng 1,5 năm trở lại đây. Trong khi đó, hiện nay nhiều đối tác nhập khẩu yêu cầu mua hàng chất lượng cao hơn nhưng giá thấp hơn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp khó có thể đáp ứng bởi đại dịch Covid-19 đẩy chi phí chế biến lúa gạo tăng cao.

Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), do cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là Ấn Độ đã đẩy mạnh xuất khẩu gạo trắng với giá rất rẻ làm cho thị trường thừa nguồn cung, giá giảm mạnh. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2021 đã tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 12,84 triệu tấn. Trước đó, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2020 đã tăng gần 50%, lên mức kỷ lục 14,7 triệu tấn. Gạo của Ấn Độ đã chiếm ưu thế giá rẻ hơn các nhà xuất khẩu Thái Lan và Việt Nam. 

Ấn Độ dự kiến chiếm vị trí số 1 với 45% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới trong năm 2021, nhờ mở rộng năng lực cảng biển. Theo Hãng tin Reuters, 22 triệu tấn gạo mà Ấn Độ xuất đi trong năm 2021 nhiều hơn cả 3 nhà xuất khẩu gạo lớn của thế giới là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan cộng lại. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính xuất khẩu gạo toàn thế giới sẽ đạt 48,5 triệu tấn trong mùa vụ 2021-2022. Việt Nam sẽ duy trì vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.

Tín hiệu lạc quan trong xuất khẩu gạo những tháng cuối năm

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như EU, Hàn Quốc, Mỹ.
Gạo của Việt Nam với những ưu điểm về tính tươi mới, độ ngon được người tiêu dùng ở các thị trường Đông Nam Á ưa thích, tuy nhiên việc cạnh tranh về giá với gạo Ấn Độ là một khó khăn lớn, vì gạo Ấn Độ có giá rất rẻ và là nguồn cung lớn.

Thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia và Malaysia đang đối mặt với đại dịch Covid-19 diễn biến rất nghiêm trọng, nên có nhiều dự báo hoạt động xuất khẩu gạo sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu gạo trong những tháng còn lại của năm 2021 sẽ lạc quan hơn bởi thế giới vẫn có nhu cầu về lương thực khá cao. Đối với ngành hàng lương thực đặc biệt là lúa gạo, Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu gạo nhiều năm qua và nhiều các bạn hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia và Malaysia sẽ vẫn tiếp tục nhập khẩu gạo của Việt Nam cho dù dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia này trầm trọng hơn cả Việt Nam, hơn nữa, nguồn cung gạo từ nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới là Ấn Độ cũng đang bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nặng nề.

Bên cạnh đó, Cu ba là thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo ổn định từ Việt Nam. Trước đây, Cu ba nhập khẩu gạo theo hợp đồng liên chính phủ G2G, thì bây giờ họ chuyển sang nhập khẩu thương mại và chú trọng đến chất lượng gạo nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội cho gạo Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang quốc gia này. 

Dự báo xuất khẩu gạo vẫn có khả năng tăng vào cuối năm khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn. Hiện tại, giá lúa gạo trong nước đang tăng nhẹ. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ở các tỉnh miền Nam khiến hoạt động giao dịch gạo cực kỳ khó khăn, chưa kể đến tình trạng đóng băng toàn bộ chuỗi giá trị khi một ca nhiễm Covid-19 phát hiện chỉ trong 1 nhà máy. Các thương lái ngành gạo đang đối diện với những khó khăn chồng chất do lệnh giãn cách xã hội, đặc biệt ở khâu bốc dỡ hàng hóa. Thực tế, từ cuối tháng 7 đầu tháng 8/2021, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có đơn hàng nhưng do đang thực hiện giãn cách, thiếu nhân lực, tình trạng ùn ứ tại cảng nên chưa thể đóng hàng để gửi đi. 

Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, nhưng giá gạo xuất khẩu sẽ không cao như 6 tháng đầu năm 2021. Để hỗ trợ xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh mẽ hơn, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần tăng cường công tác thông tin thị trường, nắm bắt nhu cầu thị trường sở tại; thường xuyên tổ chức các chương trình giao thương trực tuyến, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tiếp cận các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối nước sở tại.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ