A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lại diễn trò hề lố bịch: “Giải thưởng Nhân quyền”

QPTĐ-Mới đây, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam (VHRN), một tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài đã công bố cái gọi là “Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2023”. Ngay sau đó, một số trang tiếng Việt thiếu thiện chí với Việt Nam ở hải ngoại như VOA, RFI, RFA và các tài khoản mạng xã hội của các phần tử phản động, cơ hội chính trị loan truyền như một “chiến tích” trong hoạt động vì “dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam. Trò hề lố bịch này được VHRN diễn đi diễn lại hàng năm nhằm đánh bóng tên tuổi, cổ xúy cho các phần tử phản động, chống phá Việt Nam dưới vỏ bọc “dân chủ, nhân quyền”.

Mạng lưới nhân quyền Việt Nam lại diễn trò hề lố bịch.

Lột trần mặt lạ của VHRN

Tháng 11 năm 1997, một nhóm đối tượng phản động người Việt trên đất Mỹ do Nguyễn Thanh Trang, Lê Minh Nguyên, Ngô Văn Hiếu, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Lâm Thu Vân... cầm đầu đã nhóm họp tại thành phố Santa Ana, thuộc quận Orange County (hay còn gọi là quận Cam), bang California, Mỹ công bố thành lập cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” (tên tiếng Anh là Vietnam Human Rights Network-viết tắt là VHRN). Dưới danh nghĩa “gia tăng có hiệu quả các hoạt động dân chủ, nhân quyền trên thế giới để thúc đẩy tiến trình cải tiến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam...”, mục tiêu thực chất của VHRN là tìm mọi cách, sử dụng mọi thủ đoạn xuyên tạc, vu khống về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, tạo cớ kêu gọi sự can thiệp từ nước ngoài vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Sau khi công bố thành lập, để khuếch trương thanh thế, VHRN đã lập riêng một trang web trên mạng Internet và liên kết với “đài phát thanh” của các nhóm phản động người Việt khác trên đất Mỹ tiến hành mở “chiến dịch” tán phát tài liệu phản động vu cáo, xuyên tạc nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam về “dân chủ, nhân quyền”. Những kẻ đứng đầu VHRN đã móc nối, xây dựng quan hệ với nhiều tổ chức phản động lưu vong khác, trong đó có cả những tổ chức ngoại vi của tổ chức khủng bố Việt Tân. Đặc biệt, VHRN còn móc nối quan hệ với một số tổ chức nhân quyền quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam như “Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế” (HRW), “Nhà báo không biên giới” (RSF), “Ủy ban bảo vệ ký giả” (CPJ)... thường xuyên có những hoạt động vu cáo, xuyên tạc, chống phá Nhà nước Việt Nam về “dân chủ, nhân quyền”.

Trong quá khứ, VHRN đã nhiều lần móc nối, vận động một số dân biểu, nghị sĩ Mỹ không có thiện cảm với Việt Nam như Christopher Smith, Loretta Sanchez... bảo trợ nhằm thông qua “Dự luật Nhân quyền cho Việt Nam” (HR.3096); gửi “thư ngỏ” cho Tổng thống Mỹ và một số dân biểu, nghị sĩ thuộc lưỡng viện Mỹ kêu gọi áp đặt 3 điều kiện về “dân chủ, nhân quyền” đòi Việt Nam phải thả tự do cho tất cả “tù nhân tôn giáo”, “tù nhân chính trị” hoặc “tù nhân lương tâm”, chấm dứt “chế độ quản chế tại gia” đối với những “nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền” khi xem xét trao “Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam”. 

VHRN còn vận động một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ gây áp lực để Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách “các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt” về tình hình tự do tôn giáo (CPC). Luận điệu vu cáo, xuyên tạc của VHRN là “Mỹ đã can thiệp và mang lại một số tiến bộ về tự do tôn giáo cho Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn không thừa nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, tiếp tục giam giữ các nhà lãnh đạo tôn giáo, đàn áp các tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên và Tây Bắc...” để kích động.

Bắt đầu từ năm 2002, nhân ngày “Nhân quyền quốc tế”, VHRN tổ chức cái gọi là “Giải thưởng Nhân quyền” hàng năm cho số đối tượng cực đoan chống đối trong nước, mà chúng gọi là “các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền xuất sắc trong nước” để khuyến khích, động viên và trợ giúp tài chính cho các đối tượng chống đối này. Chúng khuếch trương “Giải thưởng Nhân quyền” còn nhằm “bày tỏ sự ủng hộ về tinh thần của người Việt khắp nơi trong nỗ lực đấu tranh, đòi lại quyền làm người cho dân tộc Việt Nam”... Trong năm đầu tiên tổ chức, VHRN đã trao “giải thưởng” cho Thích Quảng Độ, đối tượng chống đối cực đoan lợi dụng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” và Nguyễn Văn Lý, đối tượng chống đối cực đoan lợi dụng đạo Thiên Chúa. Tính từ năm 2002 đến nay, VHRN đã trao giải thưởng này cho 60 cá nhân và 6 tổ chức, trong đó các cá nhân được “vinh danh” là những đối tượng có hành vi phạm tội, đã bị toà án xét xử, đã hoặc đang chấp hành án tại Việt Nam.

Lại diễn trò hề lố bịch

Như thường lệ, năm nay, VHRN lại công bố cái gọi là “Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2023”. Theo đó, 3 đối tượng được VHRN “vinh danh” là Trần Văn Bang, Y Wô Niê và Lê Trọng Hùng. Cả 3 đối tượng này đều đang là phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù ở Việt Nam. VHRN tô vẽ Trần Văn Bang là “nhà hoạt động” ở Thành phố Hồ Chí Minh, “là người lên tiếng phản đối sự bá quyền của Trung Quốc, ô nhiễm môi trường và đòi hỏi công bằng cho những tù nhân lương tâm”. Đối với Y Wô Niê, VHRN cho rằng đối tượng này đã “can đảm tiếp tục con đường đấu tranh bất bạo động cho quyền của đồng bào Êđê, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng”. Còn Lê Trọng Hùng được khoác chiếc áo “nhà báo độc lập, người từng nộp hồ sơ tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam vào đầu năm 2021”. Vậy thực chất 3 đối tượng này đã có “chiến tích” đặc biệt gì mà được VHRN “vinh danh”.

Trần Văn Bang bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử và tuyên phạt 8 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo cáo trạng, Trần Văn Bang đã sử dụng 3 tài khoản Facebook gồm "Trần Bang", "Bang Trần" và "Tran Josh" để soạn thảo, đăng tải 39 bài viết có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng, nói xấu chính quyền nhân dân, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, thể hiện thái độ thù ghét, bất mãn đối với chính quyền, Đảng, Nhà nước và các vị lãnh đạo. 

Ngoài ra, bị cáo Bang còn có hành vi tàng trữ nhiều tài liệu, sách báo, trong đó có 4 cuốn tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc nhân dân các nước; kích động bạo lực. Hành vi của bị cáo Trần Văn Bang là rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến an ninh quốc gia, cần phải được xử lý nghiêm.

Y Wô Niê (sinh năm 1970, ở buôn Pưk Prông, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin), đã từng có 01 tiền án về hành vi phá hoại chính sách đoàn kết, bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt 9 năm tù. Tháng 12/2011, Y Wo Niê chấp hành xong án phạt tù và được trở về địa phương. 

Tuy nhiên, Y Wô Niê không tu chí làm ăn, mà tạo một tài khoản tên “Jing” trên mạng xã hội WhatsApp, rồi đăng tải lên đó nhiều bài viết, hình ảnh có nội dung không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và lực lượng công an trên địa bàn huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk. Y Wô Niê khai nhận, qua điện thoại và tài khoản “Jing” trên mạng xã hội WhatsApp, Y Wô Niê đã làm quen, móc nối và tham gia vào một hội nhóm ở nước ngoài. 

Nhóm này giao cho Y Wô Niê nắm tình hình về tự do, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo trong tỉnh Đắk Lắk và chỉ cần thu thập viết bài, đăng ảnh chia sẻ trên mạng xã hội, rồi làm báo cáo gửi cho bên ngoài để họ lợi dụng thổi phồng, xuyên tạc rồi họ sẽ trả tiền cho Y Wô Niê. Ngoài ra, Y Wô Niê còn gửi danh sách một số đối tượng phá rối an ninh chính trị ở Việt Nam cho một số hội nhóm ở nước ngoài để chúng sử dụng với mục đích vu cáo, xuyên tạc. Với những hành vi đó, Y Wô Niê đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt 4 năm tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Còn đối với Lê Trọng Hùng, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, từ tháng 4-2020 đến tháng 9-2020, Lê Trọng Hùng đã tự làm, đăng tải phát trực tiếp 7 video lên mạng xã hội Facebook. Trong đó, có 4 video chứa nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; bao gồm: "Đào tạo dân biểu 4.0 ", Bài 8 "Tại sao công dân trưởng thành có bổn phận tranh cử"; "Trưa không ngủ 17-5-2020"; "Khi nền tư pháp đóng vai trò phá hủy pháp luật thì phải ứng xử như thế nào với nó?"; Thư khẩn gửi Quốc hội yêu cầu khẩn cấp mở Tòa Bảo hiến để xử về vụ Đồng Tâm; "Tại sao có quá nhiều công dân bị oan sai?... Hành vi của lê Trọng Hùng đã cấu thành tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự.

Có thể thấy, việc cổ xuý, trao “Giải thưởng Nhân quyền” cho những đối tượng có hành vi phạm tội chính là một chiêu bài xuyên tạc, bẻ cong sự thật của VHRN, một yếu tố cấu thành của kịch bản trong chiến lược “diễn biến hoà bình”. Vì vậy, chúng ta phải hết sức tỉnh táo để kịp thời nhận diện, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, chống đối, các thành phần cơ hội chính trị.

Đức Minh

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ