A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyền con người và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam

Bài 2: Quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước về quyền con người

QPTĐ-Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước. Việt Nam khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế-xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người.

Việt Nam có nhiều chính sách bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong thực tiễn đổi mới.

Quan điểm của Đảng

Có thể thấy, quan điểm của Đảng về quyền con người được hình thành, đúc rút từ các yếu tố: Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc; truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam; nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; những nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người được hầu hết các dân tộc trên thế giới thừa nhận và thực tiễn và những yêu cầu đặt ra trong công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Các quan điểm này được thể hiện trong các văn kiện của Đảng như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, (bổ sung, phát triển năm 2011); Chỉ thị số 12-CT/TW ngày12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII. Đặc biệt, Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới đã đúc kết những quan điểm cơ bản về quyền con người.

Theo đó, quyền con người là giá trị chung của toàn thể nhân loại. Quan điểm này về cơ bản cũng là quan điểm chung của cộng đồng quốc tế, được phản ánh trong hệ thống văn kiện pháp lý về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức liên chính phủ khác thông qua từ trước tới nay, thể hiện ở việc xác định tính phổ biến của quyền con người. Xét về bản chất, quyền con người là những giá trị chung của toàn nhân loại, là sự kết tinh của những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của tất cả các dân tộc sau một quá trình phát triển lịch sử lâu dài. Song, ở trong xã hội có phân chia giai cấp, khái niệm quyền con người cũng mang tính giai cấp. 

Quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia. Quan điểm kể trên xuất phát từ thực tế trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, dân tộc Việt Nam đã nhiều lần bị các thế lực nước ngoài đô hộ và phải gánh chịu những hy sinh to lớn trong những cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường qua nhiều thế kỷ để giành độc lập dân tộc và tự do của Tổ quốc. Chính vì vậy, người dân Việt Nam tin rằng, nước mất độc lập thì không thể có cá nhân tự do, không thể có quyền con người. Để giành quyền con người thì phải giải phóng dân tộc khỏi áp bức ngoại bang và bảo vệ quyền tự quyết của dân tộc. Liên quan đến vấn đề trên, ở cấp độ quốc tế, quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc và tại Điều 1 của cả hai Công ước quốc tế cơ bản nhất của Liên hợp quốc về quyền con người là ICCPR và ICESCR.

Ngoài ra, Đảng ta cũng khẳng định, quyền con người là mục tiêu, bản chất, động lực của chế độ xã hội chủ nghĩa, trong đó, quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân kết hợp hài hòa với quyền tập thể và không tách rời nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật. Trách nhiệm của Nhà nước, của tất cả các ngành, các địa phương, cơ sở là phải tích cực, chủ động thực hiện nhằm ngày càng hoàn thiện và nâng cao các quyền con người. Đồng thời, chủ động, tích cực hợp tác, sẵn sàng đối thoại và kiên quyết đấu tranh trong quan hệ quốc tế vì quyền con người.

Pháp luật của Nhà nước

Ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  và sau đó tiếp tục được khẳng định, mở rộng trong các Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992. Cùng với đó, Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người. 

Tiếp tục kế thừa và phát triển những quy định của các bản Hiến pháp trước đây về quyền con người, Hiến pháp năm 2013 đã có những đổi mới căn bản, quan trọng cả về cơ cấu, bố cục, cách viết và nội dung. Cụ thể, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, “quyền con người” đã trở thành tên gọi của Chương, thay vì chỉ gọi là “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” như Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đó. Chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đưa lên và đặt trang trọng tại Chương II, ngay sau Chương I quy định về chế độ chính trị. Với quy định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức lý luận và tư duy lập hiến trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân. Điểm nhấn của nội dung này là việc bổ sung nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Ngoài ra, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các nguyên tắc về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời bổ sung 5 quyền mới, sửa đổi, bổ sung 30 quyền còn lại. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân.

Nhằm cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách đã được đẩy mạnh với hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Tiêu biểu như việc sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015, Luật Quốc tịch năm 2014, Luật về Chống buôn bán người năm 2011… 

ặc biệt, năm 2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế quan trọng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)… Điều đó khẳng định, Việt Nam đã, đang hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người trong thực tế.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ