A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam quyết tâm sản xuất vaccine Covid-19 cuối năm 2021

 

QPTĐ-Chỉ trong ngày 6-11-2020, thế giới ghi nhận 601.937 ca mắc mới và 8.704 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong trên toàn cầu lên lần lượt là 49.008.272 và 1.238.812. Trong số ca mắc mới được ghi nhận trong những ngày qua, châu Âu chiếm 51%, Mỹ chiếm 19%. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 10 triệu ca mắc và 240.946 ca tử vong. Pháp, Italy, Ba Lan, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Nga... có mức tăng hàng chục nghìn ca bệnh mỗi ngày. Đức áp lệnh phong tỏa từng phần từ hôm 2-11-2020 trên phạm vi cả nước và sẽ kéo dài đến hết tháng. Đại dịch Covid-19 hiện vẫn tiếp tục lan rộng với tốc độ lây nhiễm cao và chưa có giải pháp ngăn chặn thành công. Đây là thách thức lớn với nhân loại, do đó việc sản xuất vaccine là một trong những ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia với hy vọng có thể khống chế, kiểm soát đại dịch.

Nhóm nghiên cứu vaccine Covid-19 tại Công ty Vabiotech. (Ảnh: Internet)

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, sáng 6-11-2020 về các câu hỏi liên quan đến đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam hiện đã kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nhập cảnh, cả trái phép và hợp pháp vào đất nước. Chúng ta đã đón khoảng 200 nghìn người nhập cảnh vào Việt Nam, gồm các chuyên gia lao động nước ngoài cần thiết cho phát triển kinh tế, xã hội trong nước và người Việt Nam ở các nước trở về.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vấn đề vaccine phòng dịch Covid-19 đang là vấn đề nóng trên toàn thế giới và việc mua sớm không hề dễ dàng. Tại Việt Nam, dự kiến cuối năm nay bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người và nếu thuận lợi, thì đến cuối năm 2021, đầu 2022 Việt Nam có thể sản xuất được vaccine Covid-19. Phó Thủ tướng nhận định, việc mua vaccine Covid-19 trên thế giới cũng không kém phần khó khăn và tốn kém. Do đó, giải pháp căn cơ nhất hiện nay vẫn là các biện pháp phòng dịch và chung sống an toàn, đòi hỏi tất cả các trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, chợ, công sở… phải nghiêm túc phòng, chống dịch. Về câu hỏi “Dịch sẽ kéo dài đến bao giờ?” Phó Thủ tướng thẳng thắn: “Cần phải chuẩn bị tinh thần ít nhất đến hết năm 2021”. Về vaccine ngừa Covid-19 thì có thể nói vắn tắt là một vaccine bình thường ít nhất cũng phải mất thời gian 5-10 năm để kiểm nghiệm có tác dụng phòng bệnh và có tác dụng phụ không.

Thử nghiệm trên người vaccine Covid-19 tháng 11-2020

Theo Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, ông Nguyễn Ngô Quang, vaccine Covid-19 do Công ty Nanogen nghiên cứu, sản xuất dự kiến thử nghiệm trên người trong tháng 11-2020. Bộ Y tế đã họp với các chuyên gia về thử nghiệm và kiểm định vaccine, Học viện Quân y vào ngày 2-11-2020. Dự kiến, giai đoạn một sẽ tiêm thử trên 20 người, giai đoạn hai thử nghiệm trên 600 người, giai đoạn ba hơn 10.000 người.
Bộ Y tế đang hỗ trợ nhà sản xuất để việc thử nghiệm diễn ra nhanh, an toàn song vẫn đảm bảo các quy trình thử nghiệm, yêu cầu về đạo đức trong nghiên cứu. Nếu thành công, vaccine Covid-19 của Nanogen sẽ là vaccine đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm trên người. Trên thế giới hiện 38 vaccine Covid-19 thử nghiệm trên lâm sàng.

Trước đó, Bộ Y tế đánh giá vaccine Nanogen là một trong hai vaccine Covid-19 tiềm năng nhất tại Việt Nam hiện nay. Nanogen đã sản xuất được vaccine Covid-19 ở quy mô phòng thí nghiệm, qua nhiều đợt đánh giá, đang tiêm thử nghiệm khả năng sinh miễn dịch và tính an toàn trên động vật. Nanogen hiện có dây chuyền sản xuất vaccine với công suất khoảng 30 triệu liều một năm, được đánh giá đủ khả năng sản xuất vaccine đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ngoài Nanogen, Việt Nam còn ba vaccine Covid-19 khác đang trong quá trình nghiên cứu, thuộc các đơn vị Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) Nha Trang, Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac). Trong đó, IVAC đang test thử thách vaccine, phối hợp với Mỹ. Test thử thách là tạo ra một vaccine hoàn chỉnh tiêm thử trên động vật, sau đó cho động vật này tiếp xúc với nCoV để thử thách hiệu quả bảo vệ. Vabiotech hiện thử nghiệm vaccine trên khỉ, trong khi Polyvac tuyên bố “vaccine bước đầu cho thấy kết quả khả quan”.

Nanogen sử dụng công nghệ sản xuất vaccine tái tổ hợp, tức chuỗi các công nghệ sinh học tách và tái tổ hợp gene của nCoV vào vi khuẩn hoặc một dòng tế bào thích hợp. Còn IVAC sản xuất vaccine từ phôi trứng gà, tức phát triển virus trên tế bào phôi gà hoặc trứng được thụ tinh, sau đó vô hiệu hóa virus không còn khả năng gây bệnh rồi tạo thành kháng nguyên (chất gây phản ứng miễn dịch cho cơ thể) để điều chế vaccine. Vabiotech và Polyvac nghiên cứu vaccine trên công nghệ vector virus, tức là sử dụng một virus không gây bệnh làm phương tiện, đưa một phần mã gen không có khả năng gây bệnh vào cơ thể, để kích thích cơ thể tạo đáp ứng miễn dịch.

Nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19 trên toàn cầu

Hiện nay, trên thế giới hiện có 150 ứng viên làm vaccine phòng chống Covid-19. Đây đang là vấn đề nóng được cả thế giới quan tâm. Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh vaccine toàn cầu đã thành lập chương trình gồm 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với tham vọng có thể cung cấp vaccine giá rẻ, có trợ giá. Theo tính toán là vào khoảng 2 USD một liều, 4 USD hai liều cho một người thì cũng chỉ vài phần trăm tới tối đa 20% số người trên thế giới có thể tiếp cận.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện chưa có công ty nào cam kết bán vaccine Covid-19. Việt Nam đang tham gia nghiên cứu, còn mua trực tiếp thì hiện chúng ta đã xúc tiến làm việc với các đối tác. “Nhưng xin báo cáo với Quốc hội và nhân dân, việc mua vaccine sớm không hề dễ vì tất cả hiện nay đều nhu cầu cao hơn năng lực sản xuất và cũng chưa có gì chắc chắn cả”, Phó Thủ tướng chia sẻ. Các Chính phủ nếu muốn mua gần như đều phải đặt cọc và trả tiền trước với các công ty và chấp nhận chịu rủi ro.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết, họ không mong đợi việc có vaccine tiêm phòng Covid-19 trên diện rộng cho đến giữa năm 2021. Người phát ngôn của WHO, Margaret Harris cho biết “Chúng tôi không mong đợi việc tiêm chủng phổ biến cho đến giữa năm sau”. Các thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ cần phải tiếp tục đủ dài để xác định mức độ “bảo vệ thực sự” và an toàn của một ứng viên vaccine.

Việt Nam tập trung nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19 không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vaccine mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vaccine cho Việt Nam, nhất là các vaccine đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm virus chủng corona mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần “lắp ráp” phần gen của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vaccine mới.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ