A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, xanh, sạch, đẹp

 

QPTĐ-Nhận thức rõ, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch là một trong những vấn đề chiến lược phát triển trong quá trình hình thành bộ mặt đô thị, Hà Nội đang tập trung thực hiện công tác này nhằm góp phần “xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn” như Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định.

Một góc đô thị trung tâm Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Quản lý quy hoạch còn hạn chế

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành đã nhận định "Diện mạo của Thủ đô có nhiều đổi thay, văn minh, hiện đại hơn". Điều đó cho thấy sự nỗ lực của Thành phố trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. 

Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, hệ thống đô thị trên địa bàn gồm: Đô thị trung tâm là đô thị đặc biệt; đô thị Hòa Lạc là đô thị loại II; đô thị vệ tinh Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên là đô thị loại III; tại 3 địa phương, thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn là đô thị loại IV; 11 thị trấn thuộc huyện là đô thị loại V.

Hà Nội cũng đã phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, tỉ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng). Điều đó cho thấy việc quy hoạch, phát triển đô thị ở Hà Nội đã phủ khắp nhằm phát triển đồng đều các vùng. Đồng thời, các quy hoạch đều hướng đến xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, có tầm nhìn, tạo được tính đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hiện đại và bền vững.

Cùng với việc phủ kín quy hoạch, Hà Nội cũng phát triển đô thị mang tính chất điểm nhấn, dẫn dắt và kết nối vùng. Đơn cử tại phía Đông và Đông Bắc thành phố gồm: Long Biên, Gia Lâm và Đông Anh đã có nhiều dự án hạ tầng cơ sở mang tính đột phá như cầu Đông Trù; cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, tới đây là cầu Trần Hưng Đạo... Cùng với đó là các đô thị cao cấp đã và đang phát triển mạnh mẽ như Vinhomes Riverside, Vinhomes Ocean Park, Khu đô thị sinh thái Ecopark… Ở phía Tây, huyện Hoài Đức cũng nổi lên như điểm sáng về quy hoạch và phát triển đô thị. Đến nay, có nhiều dự án đô thị đã hoàn thành xây dựng như: Kim Chung-Di Trạch, Bắc và Nam An Khánh...

 Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mặc dù tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội đã đạt được một số mục tiêu nhưng việc phát triển nhanh và chưa có kế hoạch cụ thể đã tạo ra một số hệ lụy như: Phát triển mất cân đối, thiếu đồng bộ, đầu tư dàn trải, không tập trung… Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ ra rằng, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch.

Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, về cơ bản các đồ án quy hoạch hiện đã đáp ứng được yêu cầu đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư, nâng cấp, đang dần hoàn thiện. Tuy nhiên,  một số định hướng lớn của quy hoạch vẫn còn chưa được thực hiện. Quá trình phát triển đô thị diễn ra chậm, tỉ lệ đô thị hóa thấp so với mục tiêu quy hoạch. Việc tổ chức không gian đô thị và quy mô đô thị chưa hợp lý, không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đô thị mà còn khiến kinh tế đô thị Hà Nội chưa phát huy được lợi thế.

Cần những giải pháp đồng bộ

Tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện nghị Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, trước hết Hà Nội cần hiểu thật rõ về những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, những tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được khai thác, đánh giá, phát huy đầy đủ. Từ đó có những giải pháp trọng tâm. Đối với công tác quy hoạch đô thị, ông Lê Quang Hùng cho rằng, Hà Nội cần khẩn trương tổ chức lập quy hoạch chung đô thị làm cơ sở thực hiện đầu tư phát triển đô thị, dự báo các vấn đề phát triển đô thị, xác định không gian phát triển kinh tế gắn với đô thị hóa; nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng sống cho người dân. Hà Nội cần quan tâm đến công tác phát triển đô thị, hình thành đơn vị hành chính đô thị cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao như nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), bảo đảm sự phát triển hài hòa, làm động lực phát triển Thủ đô. Cùng với đó, Hà Nội cần khẩn trương thực hiện công tác rà soát, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Thành phố cũng cần xây dựng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậụ, chú trọng các giải pháp tổng thể từ quy hoạch đô thị, lựa chọn địa điểm cho đến các giải pháp công trình, giải quyết ngập úng, sạt trượt trong đô thị; xây dựng đô thị thông minh…

Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội đã xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, cùng với việc tiếp tục đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng nhằm tạo động lực phát triển Thủ đô Hà Nội. Trong đó, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để sớm hình thành các đô thị mới hấp dẫn, có điều kiện cạnh tranh, thu hút dân cư và lao động trẻ tới sinh sống và làm việc, góp phần giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm. 

Cùng với đó, tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, hiện đại và hiệu quả. Trong đó, sẽ tập trung xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên, tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển, tạo sức hút ngoài khu vực trung tâm đô thị.

Song hành với việc hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển thành phố trực thuộc Thủ đô, Hà Nội cũng tập trung phát triển các huyện lên quận, phấn đấu đến năm 2025, có từ 3-5 huyện phát triển thành quận.

Văn Lộc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ