Biến đổi khí hậu và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam
QPTĐ-Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu vừa phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân. Chính vì vậy, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tổ chức tại Vương quốc Anh, Việt Nam cam kết mạnh mẽ về việc cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030, đạt mức phát thải ròng bằng “0" vào năm 2050.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị COP26. (Ảnh:TTXVN)
Thông điệp chống biến đổi khí hậu của Việt Nam
COP26 là hội nghị quốc tế có qui mô lớn, quan trọng hàng đầu về biến đổi khí hậu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia cần hành động mạnh mẽ để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris.
Metan sinh ra từ sản xuất, khai thác xử lý rác thải chưa khoa học, thiếu bền vững, thiếu an toàn nên làm nhiệt độ trái đất tăng lên. Vì vậy, thế giới phải đoàn kết, thống nhất, cùng hành động để ngăn chặn, đẩy lùi, làm giảm phát thải metan đang đe dọa cuộc sống. Việt Nam là một nước đã phải trải qua nhiều năm chiến tranh, là nước đang phát triển nhưng Việt Nam cam kết mạnh mẽ về việc cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030.
Cắt giảm đáng kể lượng khí thải metan trong thập kỷ này có thể tránh được tình trạng trái đất nóng lên gần 0,30C vào những năm 2040. Nếu không cắt giảm, khí metan sẽ cản trở đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 khẳng định, Việt Nam quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu. Phục hồi tự nhiên trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Khoa học sẽ đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung, nhưng có khác biệt, dựa vào hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. Đây là đòi hỏi tất yếu để kiềm chế mức tăng nhiệt độ của trái đất. Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0" vào năm 2050.
Các nước phát triển cần chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ các nước đang phát triển, nước nghèo về hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, bố trí tài chính xanh phù hợp, hiệu quả, chia sẻ công nghệ xanh và quản trị quốc gia. Qua đó, giúp các nước tham gia vào tiến trình làm giảm phát thải metan hiệu quả, góp phần bảo vệ hành tinh chung của nhân loại luôn xanh, bền vững và an toàn.
Hệ thống pin nhà máy điện mặt trời trên hồ thủy điện Đa Mi. (Ảnh: TTXVN)
Chuyển dịch năng lượng để phát triển bền vững
Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân ngày càng tăng cao. Trong vòng 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trung bình của sản lượng điện năng đạt mức 12-13%/năm, gấp hai lần tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Đứng trước nguy cơ các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang khai thác ngày càng cạn kiệt, thâm hụt, Chính phủ Việt Nam đã quyết định sử dụng và thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn nữa, trong đó, phải kể đến năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Theo báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, Việt Nam cần chuyển dịch năng lượng để phát triển bền vững. Chiến lược năng lượng bền vững của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tại hội nghị COP26, Thủ tướng Italia Mario Draghi tuyên bố, các nước G20 sẽ dừng cung cấp tài chính cho các dự án điện than vào cuối năm 2021. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề nghị các nước cam kết ở mức cao nhất, cần xây dựng các liên minh về tài chính và công nghệ để hỗ trợ các nước đang phát triển tăng trưởng xanh, bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã luôn tích cực trong thực hiện các cam kết của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tích cực tham gia Thỏa thuận Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21). Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng Việt Nam cần thực hiện khi tham gia là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính.
Nhận thức được vấn đề quan trọng này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững. Trong đó, Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra quan điểm chỉ đạo: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia một cách nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện khí; có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…” và mục tiêu chủ yếu như: Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030 lên mức 20% vào năm 2045; tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045; tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.
Song Hà