A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động tấn công Covid-19 bằng vaccine và công nghệ

 

QPTĐ-Trước sự biến đổi khôn lường của virus, đợt dịch sau khốc liệt hơn đợt dịch trước, Việt Nam phải chuyển từ thế dự phòng sang tấn công. Thông điệp chống dịch giai đoạn hiện nay của Việt Nam là 5K+Vaccine+Công nghệ. Tiếp tục duy trì 5K từ đầu đợt dịch, được coi là lá chắn thép, dẫn tới thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch ở trạng thái bình thường mới. Cùng với đó, vaccine và công nghệ được coi là vũ khí để Việt Nam chủ động tấn công Covid-19. 

 Tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Internet)

Thần tốc và hiệu quả trên mặt trận vaccine

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên mặt trận vaccine. Đây là một hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước. 

Trước tình hình số ca nhiễm gia tăng, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là rất cần thiết để tăng miễn dịch cộng đồng. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, từ nhiều tháng nay, Bộ Y tế đã liên tục có hàng chục cuộc tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine cũng như cơ quan y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vaccine nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để có vaccine sớm nhất, phấn đấu cuối năm 2021 sẽ có miễn dịch cộng đồng. Mọi thủ tục, quy trình về cấp phép lưu hành, kiểm định vaccine phòng Covid-19 được rút gọn tối đa. Nhiều doanh nghiệp tích cực hỗ trợ, tham gia vào quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất bảo đảm nguồn vaccine phòng Covid-19 trong nước.

Ngày 3/6/2021, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021. Bên cạnh nguồn cung cấp của Chương trình COVAX, Việt Nam đã đàm phán để có thêm các nguồn vaccine khác, bao gồm Moderna (5 triệu liều), Pfizer (31 triệu liều) và Sputnik V (20 triệu liều). Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước. Chương trình COVAX cam kết cung cấp cho Việt Nam 38,9 triệu liều, trong đó lô thứ nhất 811.200 liều đã về Việt Nam ngày 1/4/2021 và lô thứ 2 hơn 1.682.000 liều đã về Việt Nam ngày 16/5/2021.
Về khả năng tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh mua công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để chủ động nguồn vaccine cho người dân Việt Nam. Đồng thời cam kết với COVAX, WHO trong việc tham gia chuỗi chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và mong muốn được đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Về tự chủ trong nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19, trong tháng 6/2021, vaccine Nano Covax, vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam sẽ bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu lực bảo vệ đối với cộng đồng, trước khi cấp phép lưu hành trong tình huống khẩn cấp. Vaccine Nano Covax do các nhà khoa học của Công ty Nanogen và Học viện Quân y nghiên cứu, phát triển, đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Đến nay, 100% tình nguyện viên tiêm vaccine Nano Covax đều sinh kháng thể trong máu. Nồng độ kháng thể virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy, hiệu giá kháng thể tăng rất cao, từ hàng chục cho đến hàng trăm lần. Giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax với số lượng tình nguyện viên tham gia dự kiến khoảng 13.000 người. 

Nhằm tăng cường nguồn lực để mua và sản xuất vaccine, Việt Nam đã thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam, ra mắt tối ngày 5/6/2021, để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, mặc dù hiện nay tình trạng khan hiếm vaccine trên thế giới vẫn căng thẳng nhưng với các thỏa thuận đã đạt được, “mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 là rất khả thi”.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ phòng dịch Covid-19

Về áp dụng công nghệ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, có bốn điều kiện tiên quyết để bảo đảm thành công. Thứ nhất, một số công nghệ chủ chốt thì phải bắt buộc, tỷ lệ người dùng phải đủ cao. Thứ hai, dữ liệu và xử lý dữ liệu phải tập trung và liên thông giữa các ứng dụng, vì càng nhiều dữ liệu, càng nhiều nguồn dữ liệu thì truy vết càng nhanh và càng chính xác, càng phát hiện sớm các nguy cơ. Thứ ba, phần mềm phải viết dưới dạng nền tảng để dễ dùng và dùng chung. Thứ tư, dữ liệu cá nhân sau một tháng lưu trữ thì xóa để người dân yên tâm tuân thủ. 

Trong đối phó với tình hình mới của dịch, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được nâng lên thêm một bước, hiệu quả việc thần tốc truy vết F0, lập danh sách F1, F2. Công nghệ như Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm Covid-19); NCovi (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); khai báo y tế cho người nhập cảnh; hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR); hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19… tiếp tục phát huy hiệu quả cao nhất trong phát hiện, truy vết ca lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Ngày 29/5/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19, thống nhất một đầu mối toàn quốc về công nghệ, vừa phát triển giải pháp vừa vận hành khai thác hiệu quả ứng dụng của công nghệ trong phòng, chống dịch. Theo đó, các ứng dụng công nghệ đã kết nối tập trung, đã liên thông dữ liệu. Trung tâm sẽ sớm triển khai vòng đeo tay giám sát cách ly tại nhà, và trước mắt sẽ thực hiện cho công nhân của các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Việc đeo vòng tay sẽ truy vết triệt để hơn, sẽ phát hiện ra toàn bộ mạng lưới liên quan. Thông qua công nghệ, đơn vị thực hiện nhiệm vụ truy vết có thể sớm phát hiện người nhiễm dịch bệnh hơn thông qua xét nghiệm chủ động, xét nghiệm sàng lọc, truy vết nhanh hơn trong vài giờ. Nhờ công nghệ tiếp xúc gần, việc đeo vòng tay sẽ giúp phát hiện triệt để hơn người trong mạng lưới những người nhiễm bệnh. Đồng thời, công nghệ sẽ giúp duy trì cuộc sống bình thường hơn vì ai bị nhiễm thì điều trị, ai tiếp xúc gần thì cách ly, những người còn lại vẫn đi làm.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ