Xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại
QPTĐ-Xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, nền công vụ chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương; công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Hệ thống cơ quan hành chính Nnà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có năng lực kiến tạo phát triển, phục vụ Nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số. Đây là một trong những mục tiêu tổng quát được xác định trong Chương trình số 01-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”.
Hà Nội đặt mục tiêu tích hợp 60% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nhiều kết quả từ khâu đột phá
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI xác định, một trong 3 khâu đột phá nhiệm kỳ 2015-2020 đó là: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô”.
Thực hiện khâu đột phá, nhiệm kỳ qua, công tác cải cách hành chính của Thành phố được tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung. Việc xác định chủ đề năm 2016, 2017 là “Năm kỷ cương hành chính” và năm 2018, 2019 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước. Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công được cải thiện. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao và chuẩn hóa, có sự chuyển biến về tư duy, phong cách làm việc, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp. Tích cực tiến hành rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 261 thủ tục hành chính; thí điểm việc kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ước đạt 100%, là địa phương dẫn đầu cả nước. Qua đó, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố được cải thiện qua các năm: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2018 xếp thứ 2 (tăng 7 bậc so với 2015), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 15 bậc so với năm 2015).
Công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã có bước tiến mạnh mẽ, nền tảng chính quyền điện tử dần được hình thành. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thành phố đã chỉ đạo tăng cường, khuyến khích ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực như: Họp trực tuyến, xử lý công việc trên môi trường mạng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, học qua truyền hình, học trực tuyến, lắp đặt wifi miễn phí tại các điểm công cộng, di tích lịch sử...
6 nhiệm vụ, giải pháp trong cải cách hành chính
Cùng với mục tiêu tổng quát, Chương trình số 01-Ctr/TU cũng đặt ra những chỉ tiêu cụ thể trong cải cách hành chính như: Phấn đấu cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đủ điều kiện, đạt 100%; tích hợp 60% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% số hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn. Đến năm 2025, phấn đấu có thêm 20% số lượng thủ tục hành chính được tinh gọn, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí. 60% các hệ thống thông tin của Thành phố có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đưa vào vận hành, khai thác, chia sẻ tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị Thành phố. Hằng năm, chỉ số PAPI tăng trung bình tối thiểu 5 bậc so với năm trước. Đến năm 2023, chỉ số SIPAS đạt trên 85%; đến năm 2025 đạt trên 90...
Để đạt được yêu cầu, chỉ tiêu đặt ra trong cải cách hành chính, Thành ủy đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
Trong đó, để cải cách thể chế, cùng với những giải pháp mang tính vĩ mô như nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ rà soát quy trình giải quyết công việc hành chính trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, chú trọng các công việc có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị; lập danh mục các công việc hành chính, xác định rõ quy trình giải quyết. Thành phố cũng sẽ cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, đặc biệt trong một số lĩnh vực như: Tài nguyên-môi trường, kế hoạch và đầu tư, xây dựng, quản lý đô thị...
Trong cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, Thành phố thực hiện rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan, đơn vị theo hướng giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Đặc biệt, Thành phố chú trọng xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, trong đó, tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng CNTT, hạ tầng dữ liệu,… kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng Thành phố thông minh.
Đức Minh