Đột phá trong chuyển đổi số quốc gia năm 2022
QPTĐ-Nhận định về quá trình chuyển đổi số quốc gia thời gian qua, có thể nói: Năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số. Các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2022 để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động, đặc biệt phải bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả.
Giải thưởng Vietnam Digital Awards 2021 đã tiếp cận 10.000 đơn vị-tổ chức-doanh nghiệp và cá nhân cả nước. (Ảnh: Internet)
Trọng tâm chuyển đổi số năm 2022
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng Việt Nam mà trên bình diện toàn thế giới. Chuyển đổi số với ba trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Chuyển đổi số đòi hỏi tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó thì chuyển đổi số mới thành công.
Ngày 6/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm 2022 nhằm thúc đẩy, hỗ trợ và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số, cụ thể là: Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch...; phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo 22 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng vừa mang tính trung hạn, vừa mang tính ưu tiên triển khai trong năm 2022 để thực hiện các định hướng nêu trên.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần ban hành Nghị quyết của cấp ủy Đảng về chuyển đổi số; xây dựng và ban hành kế hoạch tổng thể giai đoạn 5 năm và kế hoạch hành động hằng năm về chuyển đổi số; ban hành Kiến trúc chính phủ điện tử phiên bản 2.0 phù hợp với Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 đã được ban hành. Tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm hiệu quả khi ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ số, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý các cơ quan nhà nước nêu trên tổ chức phổ biến, quán triệt về hai nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, cụ thể là hệ thống chưa kết luận bảo đảm an toàn, an ninh mạng chưa đưa vào sử dụng; hệ thống thử nghiệm, có dữ liệu thật thì phải tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức.
Lợi ích của chuyển đổi số
Phát triển kinh tế số sẽ sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Sử dụng kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng để thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số trong xã hội, từ đó, tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Trong quá trình chuyển đổi số, thuận lợi của Việt Nam là có những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn, có hạ tầng rộng khắp toàn quốc, đặc biệt với sự phát triển mạng 5G tạo nền tảng thúc đẩy cho chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao để tạo ra những hạ tầng mang tính nền tảng cho quá trình chuyển đổi số trong những lĩnh vực cơ bản.
Chuyển đổi số cũng mang lại những lợi ích thiết thực đối với giáo dục: Trải nghiệm thực tế và học tập nhóm hiệu quả, chủ động trong công việc học tập, truy cập tài liệu học tập không giới hạn, nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã tăng cường dạy trực tuyến, các nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua Internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế. Đây có thể là cơ hội để học sinh, giáo viên, ngành Giáo dục cả nước làm quen với ứng dụng những công nghệ số hiện đại vào đổi mới các hình thức tổ chức dạy học. Đó chính là minh chứng đầu tiên về lợi ích của giáo dục số tới nền giáo dục của Việt Nam.
Chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người học. Thay vì đến các trường công, họ có thể tham gia vào các khóa học trực tuyến E-learning với chi phí rẻ hơn nhiều lần. Thậm chí người học còn có thể tùy chọn những khóa học phù hợp với bản thân và những môn mà bản thân họ thực sự quan tâm. Điều này giúp cho việc học tập hiệu quả và chất lượng hơn.
Hiện nay, trên cả hai nền tảng phổ biến trên điện thoại thông minh là Androi và iOS, mỗi ngày có khoảng hơn 4.000 ứng dụng di động dành cho lĩnh vực giáo dục được viết ra, trong số đó khoảng hơn 2/3 là miễn phí. Như vậy, khả năng tích hợp các ứng dụng di động được cài đặt trên điện thoại vào trong các hoạt động tổ chức, triển khai dạy học trong và ngoài lớp học là vô cùng lớn. Bên cạnh đó, điện thoại còn có thể sử dụng như một thiết bị để giáo viên, học sinh sử dụng và sáng tạo không giới hạn như một chiếc kính hiển vi, camera chụp ảnh, máy quét kĩ thuật số, màn hình trải nghiệm thực tế ảo, các công cụ đo lường cá nhân hoặc như một thiết bị kết nối ngoại vi đa năng trong dạy học.
Việt Nam hiện đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ. Bởi vậy sẽ tạo ra làn sóng, động lực quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đây là hướng đi đúng đắn nhằm xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường.
Song Hà