Tự hào góp sức cùng “Phi đội bay Quyết thắng”
QPTĐ-Ngày 30-4-1975 là một mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Để có ngày lịch sử vẻ vang ấy, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã để lại cả tuổi thanh xuân nơi chiến trường khói lửa; hàng triệu người con đã hy sinh một phần máu thịt để thống nhất cho nước nhà...
Trong những ngày lịch sử trọng đại của đất nước ấy, chúng tôi được gặp Đại tá Lê Hải, sinh năm 1947, hiện đang sống tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, người trực tiếp tham gia bảo đảm tình trạng kỹ thuật, vũ khí, trang bị cho các loại máy bay của “Phi đội bay Quyết thắng” tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Thật tự hào khi được cống hiến thanh xuân, sức lực và kiến thức của mình để phục vụ Tổ quốc” - Đại tá Lê Hải chia sẻ.
Năm 1966, chàng sinh viên 19 tuổi đang học tại Đại học Kinh tế, nhưng với ý chí quyết tâm và lòng yêu nước, Lê Hải đã gác lại việc học của mình, viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được huấn luyện tại Trung đoàn Pháo binh cao xạ. Năm 1967, Lê Hải được tới chiến trường chiến đấu, bảo vệ cầu Bắc Giang. “Mưa bom của địch đánh phá vào các trận địa của mình, chứng kiến đồng đội thương vong quá nhiều, đặc biệt là những đồng chí của khẩu đội pháo 100mm gần như không còn một ai mà cảm thấy đau xót. Cấp trên thấy quân số bị thương vong nhiều đã điều động tôi sang làm trắc thủ của khẩu đội Pháo 100mm”-Đại tá Lê Hải cho biết.
Đến năm 1968, Lê Hải được tập trung đi đào tạo chuyên ngành máy bay quân sự tại Học viện Kỹ thuật Không quân, Giu-Cốp-xhi tại Liên Xô. Đến năm 1974, Lê Hải về nước và được biên chế về Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân. Đến cuối tháng 3/1975, ông nhận lệnh gấp rút đi B (chiến trường miền Nam). “Sau khi giải phóng sân bay Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã nhận được lệnh sử dụng lực lượng không quân phối hợp trong chiến dịch giải phóng miền Nam. Vì vậy, ngay sau khi Đà Nẵng được giải phóng, Sư đoàn 371 đã cử 1 tổ cán bộ trong đó có tôi tham gia cùng 3 đồng chí khác với chuyên ngành kỹ thuật đủ 4 bộ môn: Cơ giới, quân giới, đặc thiết, vô tuyến đi nghiên cứu các loại máy bay địch”-Đại tá Lê Hải nói.
Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng trên cơ sở các máy bay A-37 ta thu được sẽ được tận dụng để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tăng thêm sức mạnh chiếm lĩnh bầu trời của quân đội ta. Với thời gian gấp rút, ý định đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất đòi hỏi từng người phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, kiểm tra các loại vũ khí, trang bị tuyệt đối không để xảy ra sai sót.
Ngày 26/4/1975, bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh, Không quân chỉ còn 2 ngày đề chuẩn bị, vì vậy các bộ phận người lái, máy bay và thợ kỹ thuật phải cơ động gấp vào Phan Rang. Các kỹ sư đang nghiên cứu ở Nha Trang, 5 giờ sáng ngày 27/4/1975 đã lên đường đi vào sân bay Thành Sơn. “Ngay khi vào tới địa điểm tập kết, 5 người chúng tôi đã tiến thẳng tới kho bom ở sâu trong núi. Đồng chí tổ trưởng đã nhắc nhở toàn đội “từ giờ phút này tất cả phải tuân thủ hướng dẫn của đồng chí Lê Hải người có chuyên môn về vũ khí”. Sau thời gian dò tìm khá vất, cả đoàn cùng tới được kho cất chứa bom. Lúc này, kho không người gác, không cửa che chắn, bom rất nhiều. Với kinh nghiệm đã được tích luỹ, ngay lập tức, tôi đã dễ dàng nhận ra các loại bom sử dụng cho máy bay A-37. 5 người chúng tôi bắt đầu bê những quả bom nặng chất lên xe. Đến ngày 28/4, toàn bộ số bom đã được tập kết đầy đủ tại sân đỗ máy bay ở Phan Rang” - Đại tá Lê Hải chia sẻ.
Vấn đề phát sinh đối với những người kỹ thuật là khi tra bom vào máy bay bằng cách thủ công thì sẽ rất lâu, không đảm bảo được tiến độ. Với sự sáng tạo và ý chí quyết tâm, bộ đội Việt Nam đã cảm hoá được lực lượng thợ máy của nguỵ và phương tiện hiện đại do địch tháo chạy bỏ lại, chúng ta đã tìm ra được cách tra lắp bom vào cánh máy bay A-37 nhanh chóng. Nhờ làm tốt mọi công tác chuẩn bị, 16 giờ 17 phút, ngày 28/4/1975 Phi đội được lệnh cất cánh đánh bom liên tục vào các vị trí trọng điểm đã được lên kế hoạch tỷ mỉ.
“Cảm giác lâng lâng, khó diễn tả, nước mắt cứ rơi khi nghe được tin chiến thắng, ngày 30/4/1975 là một thông báo mãi mãi không bao giờ chúng tôi quên, không chỉ là những người con xa nhà sẽ chuẩn bị được về với gia đình, mà vui sướng hơn tất cả là “thống nhất” rồi!”-Đại tá Lê Hải xúc động chia sẻ!
Việt Dũng