A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam: 71 năm chặng đường phát triển

 

QPTĐ-Cách đây 71 năm, vào ngày 15/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo thành lập ÐĐội TNXP công tác Trung ương-tiền thân của lực lượng TNXP Việt Nam. Ban đầu, Đội có 225 cán bộ, hội viên; sau đó, số hội viên ngày càng tăng để phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Thanh niên xung phong có nhiều đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. (Ảnh: Tư liệu)

Trở lại với lịch sử, năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Đảng đoàn Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam huy động lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, là con em bần cố nông và trí thức lao động, lý lịch tốt, có tinh thần hăng hái để thành lập các đội “Thanh niên xung phong”, làm các nhiệm vụ, góp phần cùng bộ đội và toàn dân chiến thắng địch trên các chiến trường. Tư tưởng của Người về TNXP ngay từ ban đầu là vừa phục vụ kháng chiến hiện tại, vừa làm nhiệm vụ kiến quốc khi kháng chiến thành công. 

Những ngày đầu thành lập, TNXP đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và lập công to lớn trên các chiến trường, chiến dịch lớn, tiêu biểu phải kể đến là: Biên Giới, Tây Bắc, Việt Bắc, Trung Du, Hòa Bình, Bình Trị Thiên, Liên khu 5, miền Đông Nam bộ và đồng bằng Bắc bộ.

Bước sang thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, lực lượng thanh niên bừng bừng khí thế dấy lên các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” (ở miền Bắc), “Năm xung phong” (ở miền Nam) để góp phần cho sự nghiệp “chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi”. Để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Ở miền Bắc, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam phát động phong trào “Ba sẵn sàng” như: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm và sẵn sàng nhập ngũ (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ); sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến. Ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam, Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng cũng phát động phong trào “Năm xung phong”: Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch; xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh; xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến; xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính; xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

Phát huy truyền thống của thế hệ TNXP chống Pháp, để có lực lượng cơ động thường xuyên phục vụ bộ đội chiến đấu và tham gia chiến đấu, mở đường, bảo đảm giao thông phục vụ các chiến trường. Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71/TTg-CN về thành lập các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước.

Trong thời kỳ từ 1965-1975, đã có 133.157 đoàn viên thanh niên gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước, trong đó, 51,8 % là nữ. TNXP đảm nhận nhiều loại công việc khác nhau nhưng chủ yếu ở 3 ngành: Giao thông vận tải, lâm nghiệp, quốc phòng. Cũng trong thời kỳ chống Mỹ, TNXP đã làm 2.195 km đường mới trên 53 tuyến đường. Đảm bảo giao thông ngày đêm trên 3.000 km đường, trong đó, có 2.526 trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt. TNXP cùng quân đội tham gia xây dựng 6 sân bay quân sự. Sau chiến thắng 30/4/1975, Tổ quốc hòa bình thống nhất lực lượng TNXP lại trở về cuộc sống đời thường với bao khó khăn nhưng với bản lĩnh TNXP, các chiến sĩ TNXP vẫn hoàn thành nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực công tác mới.

Miền Nam được giải phóng, non sông liền một dải, lực lượng TNXP chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc. Đã có trên 5 vạn nam nữ TNXP cả nước tiếp bước cha anh lên đường phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trong đó, có gần 13 ngàn TNXP tham gia phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (5/1975-8/1988) và trên 36 ngàn TNXP phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979-12/1988).

Thể theo nguyện vọng của đông đảo Cựu TNXP, ngày 19/12/2004 Đảng, Nhà nước đã cho phép thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam. Ở Hà Nội ngày 15/7/2005, Thành ủy, UBND Thành phố cũng cho phép Hội Cựu TNXP Hà Nội được thành lập. Tính trong 15 năm, Hội cựu TNXP Hà Nội đã nhanh chóng đoàn kết tập hợp gần 3 vạn hội viên, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do đại hội thành lập hội đề ra. Vai trò vị thế của tổ chức hội ngày càng được khẳng định và ngày càng được nâng cao trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội. Hoạt động vì nghĩa tình đồng đội được đông đảo cán bộ hội viên cựu TNXP các tổ chức đoàn thể các doanh nghiệp tham gia, đã trở thành phong trào sâu rộng với nhiều hình thức phong phú đa dạng hiệu quả thiết thực.

Cát Tường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ