A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cộng đồng ASEAN và những đóng góp tích cực của Việt Nam

 

QPTĐ-Trải qua hơn 5 thế kỷ xây dựng và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một cộng đồng có nền kinh tế lớn trên thế giới, hợp tác an ninh chính trị, văn hóa-xã hội ngày càng sâu rộng. Và trong suốt quá trình ấy, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, để lại dấu ấn sâu đậm trong ngôi nhà chung ASEAN.

 Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập.

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội này. Đây là một dấu mốc lớn đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực. Là thành viên có dân số lớn thứ 3 và diện tích đứng thứ 4 trong ASEAN, với vị trí địa chiến lược và kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á, Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN và những đóng góp của Việt Nam trong suốt 26 năm qua đã không phụ lòng kỳ vọng của các nước thành viên.

Thực tế đã chứng minh, 26 năm tham gia ASEAN, dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN. Ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myanmar vào ASEAN, hoàn thành ý tưởng về một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á, tạo ra sự chuyển biến mới về chất đối với ASEAN và tình hình khu vực. Việt Nam cũng đóng vai trò nòng cốt trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN, như Tầm nhìn 2020 và các kế hoạch triển khai tầm nhìn, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và nhiều thỏa thuận quan trọng khác, trong đó có kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Việt Nam cũng đã tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực. Minh chứng rõ nét nhất về sự tham gia tích cực của Việt Nam là Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước thành viên có tỷ lệ thực thi cao nhất các kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng ASEAN. Việt Nam cũng đã hoàn thành tốt trách nhiệm của một nước thành viên thông qua việc đăng cai nhiều hội nghị lớn. Có thể kể đến như việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (tháng 12/1998) với những kết quả quan trọng, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội và vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực khi đó. Tiếp đó, các bộ, ngành liên quan cũng như Quốc hội và các tổ chức nhân dân cũng đã chủ trì đăng cai tổ chức thành công nhiều Hội nghị, hoạt động quan trọng của ASEAN ở các cấp và các lĩnh vực khác nhau, góp phần đẩy mạnh hợp tác ASEAN.

Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 với những kết quả to lớn và thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hoá một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 cũng như nâng cao vai trò của ASEAN. Năm 2020 tiếp tục ghi một dấu mốc quan trọng khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Sự kiện này càng đặc biệt hơn khi thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng phải đương đầu với một cuộc chiến cam go và chưa có hồi kết, đó là đại dịch Covid-19. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tích cực, chủ động dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN và hợp tác với các đối tác nhằm kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan và giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh. Cụ thể, Việt Nam đã phối hợp với các nước ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch Covid-19, vừa phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và các tổ chức quốc tế nhằm cùng nhau sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thành công trong các nhiệm kỳ điều phối quan hệ đối tác với các đối tác lớn và quan trọng của ASEAN như Trung Quốc, EU, Ấn Độ; đạt nhiều kết quả trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021; đồng thời tiếp tục tập trung nguồn lực cho triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng trên cả 3 trụ cột (gồm Chính trị-An ninh (APSC), Kinh tế (AEC) và Văn hóa-Xã hội (ASCC)); tham gia tích cực và đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư thông qua hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), xây dựng lộ trình cho cắt hàng rào giảm phi thuế quan và thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là dấu mốc quan trọng, nâng hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới, xây dựng một cộng đồng trong đó hơn 630 triệu người trong Đông Nam Á được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, các dân tộc đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và được hỗ trợ phát triển đồng đều. 

Dự báo, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050. Trật tự khu vực tương đối ổn định nhờ các cơ chế hợp tác an ninh, đối thoại, các nguyên tắc của ASEAN “Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”. Những đóng góp của Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên, sự phát triển và hợp tác vững chắc của ASEAN, mà còn góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của thế giới.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ