Chung tay hưởng ứng Ngày Thế giới chống lao động trẻ em
QPTĐ-Ngày Thế giới chống lao động trẻ em, viết tắt là WDACL (World Day Against Child Labour) 12-6 là ngày được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra năm 2002 và được Liên hợp quốc công nhận, nhằm nâng cao nhận thức và hành động để ngăn chặn lao động trẻ em. Nó được thúc đẩy bởi sự phê chuẩn của Công ước ILO số 138 về độ tuổi lao động tối thiểu, và Công ước ILO số 182 về các hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em.
Tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho trẻ em ở khu chung cư Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông).
Theo các nghiên cứu gần đây, lao động trẻ em đang diễn ra phổ biến ơ mọi nơi trên thế giới; khiến nhiều trẻ em phải bỏ học, bị thương tật do tai nạn khi lao động hoặc làm việc quá sức. Đôi khi các em bị đánh đập, xâm hại tình dục gây tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến tâm lý suốt đời. Ở Việt Nam, hiện nhiều trẻ em vẫn phải tham gia vào lực lượng lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, trang trải học hành bằng những công việc như bán vé số, nhặt ve chai, phụ quán...
Về nguyên nhân, theo các nghiên cứu điều tra, lao động trẻ em thường bắt nguồn từ 3 yếu tố: Do hộ gia đình nghèo và dễ bị tổn thương; nhận thức của một số bộ phận cha, mẹ, gia đình của chính trẻ em đó hạn chế; đặc biệt là do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, dẫn tới tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng, việc làm và thu nhập của một số hộ gia đình ảnh hưởng nên trẻ em phải tham gia lao động để đối phó với tình trạng đó.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà (phát biểu tại Hội thảo quốc tế về các cam kết quốc tế liên quan đến phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em): Tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay không cao và giảm dần theo từng năm. Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% (năm 2012) xuống còn 9,1% (năm 2018). Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên để hạn chế thấp nhất tình trạng lao động trẻ em, Việt Nam đã đề ra 5 nhóm giải pháp cụ thể: Thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ và các chính sách bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác. Tăng cường các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên. Đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác với các đối tác quốc tế như ILO/ Bộ Lao động Hoa Kỳ, UNICEF và các đối tác khác về cải thiện điều kiện, môi trường lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức một cách phù hợp; tạo nguồn sinh kế cho các gia đình nghèo; hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp. Đổi mới truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của các cấp, các ngành, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em. Tập trung giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc học tập và gia tăng nguy cơ lao động trẻ em của trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang và hải đảo.
Đối với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, ngay sau khi có văn bản, hướng dẫn của trên về các mục tiêu như: “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, “Ngày Gia đình Việt Nam năm 2022”, “Ngày Thế giới chống lao động trẻ em”…, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn LLVT Thủ đô đã nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo triển khai, tuyên truyền sâu rộng tới mọi quân nhân về ý nghĩa, vai trò của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền trẻ em (kể cả vấn đề lao động trẻ em); xây dựng gia đình quân nhân no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam. Đồng thời, tiến hành tổ chức các hoạt động kỷ niệm thiết thực, hiệu quả và phù hợp với đặc thù từng đầu mối nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và hội viên phụ nữ trong việc phòng, chống và kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là nạn đuối nước và tai nạn giao thông, quyền được học tập, bảo hộ theo đúng độ tuổi của trẻ; bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển; phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo tổ chức các nội dung hoạt động theo đặc điểm tình hình của từng cơ quan, đơn vị. Thông qua các hoạt động cụ thể, nhận thức của mọi quân nhân được nâng cao, phần để trẻ em được lớn lên trong môi trường lành mạnh, hạnh phúc, yêu thương, cảm thông và được vui chơi, được học hành theo đúng lứa tuổi của các em.
Ngân Mỹ