A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi lưu giữ những ký ức hào hùng

 

QPTĐ-Những ngày cuối năm, Hà Nội như lại rền vang bản anh hùng ca vĩ đại về chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Năm tháng chiến tranh đã rời xa nhưng biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam ngày ấy vẫn luôn được lưu giữ tại một góc phố của Hà Nội. Trên con phố nhỏ Đội Cấn (quận Ba Đình), dịp này càng trở nên tấp nập hơn bởi khách đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng B52 ngày một đông.

Bảo tàng Chiến thắng B-52 là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ngày đầu Đông, chúng tôi theo chân đoàn học sinh lớp 5C trường tiểu học Đại Yên, tham gia tiết học ngoại khóa môn Lịch sử. Các cô cậu học trò nhăn nhó vì đề bài “khó nhằn”, hôm nay các em phải viết một đoạn văn cảm nghĩ về sự kiện lịch sử 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Thế nhưng dường như mọi khó khăn đều xóa nhòa khi các em được đặt chân đến Bảo tàng Chiến thắng B52. 

Bảo tàng Chiến thắng B52 được thành lập ngày 6/11/1986, khánh thành ngày 22/12/1997 và tiếp tục được nâng cấp, cải tạo, hoàn thành tháng 12/2012. Bảo tàng được xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại, mang biểu tượng của đài chiến thắng vinh quang. Nơi đây hiện lưu giữ, trưng bày hàng trăm hiện vật về quá khứ hào hùng và đầy oanh liệt của quân và dân Thủ đô trong cuộc chiến 12 ngày đêm quyết tử đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của không quân Mỹ.

Đội du khách nhỏ được trải nghiệm đầy những bất ngờ ngay từ những bước chân đầu tiên. Khu trưng bày ngoài trời gồm có các loại vũ khí, khí tài của quân, dân Thủ đô Hà Nội; xác các máy bay B52 bị quân và dân Thủ đô bắn rơi trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Vào khu trưng bày trong nhà, các em được tìm hiểu khái quát về truyền thống của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt là chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, với nhiều hiện vật, tài liệu, các tác phẩm nghệ thuật. Đặc biệt hơn cả là phòng sa bàn tổng hợp diễn biến chiến đấu trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Qua giọng đọc trầm ấm của hướng dẫn viên, cùng với thước phim tài liệu, sa bàn địa lý, không gian cảnh đồ và lưới lửa phòng không Hà Nội cùng hệ thống âm thanh, tạo khói… đưa các em vào những năm tháng lịch sử.

Từ đêm 18/12 đến hết ngày 31/12/1972, có tới 444 lần B52 và hơn 1.000 lần máy bay chiến thuật của đế quốc Mỹ đã trút hàng vạn tấn bom xuống những trọng điểm đánh phá của chúng tại Hà Nội cùng khu phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, Ga Hà Nội... giết hại và làm bị thương hàng nghìn người. Vượt lên đau thương mất mát, lưới lửa phòng không của quân và dân Hà Nội đã giáng trả những đòn đích đáng. Có tới 358 "thần sấm" đã tan xác ngay trên bầu trời Hà Nội và "Rồng lửa Thăng Long" đã tung mình quật đổ 25 pháo đài bay B52, đập tan âm mưu của đối phương. Hà Nội rộn vang, Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục phát đi những bản tin chiến thắng của khắp các chiến trường, công bố với thế giới từng xác B52 rơi ngày một dài thêm. Cuối cùng, đế quốc Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết hiệp định Paris chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.

Những thước phim tư liệu kết thúc, đèn bật sáng, các cô cậu học trò nhỏ vẫn còn thầm thì chia sẻ với nhau những cảm xúc lạ lẫm. Đó là sự tò mò về một cuộc sống các em chưa từng trải qua, là sự trầm trồ, là niềm tự hào “Việt Nam giỏi quá”. Những gì Bảo tàng mang lại rất sống động và sâu sắc, vượt qua ngoài trang sách nhà trường, các em như được sống, được chứng kiến những năm tháng hào hùng đã qua… Đó cũng chính là niềm mong mỏi mà Bảo tàng luôn hướng đến. 

Chứng kiến khối lượng hiện vật đồ sộ, được trưng bày khoa học mới thấy hết sự nỗ lực cố gắng, tinh thần khắc phục khó khăn của cán bộ, nhân viên Bảo tàng trong công tác sưu tầm, biên soạn, tập hợp tư liệu, hiện vật theo các chủ đề riêng biệt. Để ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan, những năm qua, Ban Giám đốc Bảo tàng đã tham mưu hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu xây dựng các giải pháp kiến trúc đổi mới trưng bày, lập hồ sơ các di tích chiến thắng B52 tiêu biểu. 

Cùng với đó, Bảo tàng đã cùng tham gia thực hiện các tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống của LLVT Thủ đô Hà Nội; phối hợp tổ chức nhiều cuộc triển lãm lưu động phục vụ cán bộ, chiến sĩ LLVT và đông đảo nhân dân. Nhờ vậy, mỗi năm Bảo tàng đã đón hàng vạn lượt khách đến tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống. Đơn vị đã tổ chức và phục vụ hàng trăm buổi gặp mặt, giao lưu, sinh hoạt văn hóa của cơ sở Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, học sinh các nhà trường, cán bộ, đoàn viên, thanh niên nhiều đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn Thủ đô. 

Những cựu chiến binh đến đây, như tìm về quá khứ của một thời bom đạn. Đồng bào miền Nam xa Hà Nội, tới đây để thấy một thời "Rồng lửa Thăng Long" đã chia lửa cùng "Thành đồng Tổ quốc". Thế hệ trẻ, những em học sinh, sinh viên đến đây không chỉ để tìm tư liệu trả bài cho môn học Lịch sử mà để thấu hiểu sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước cho nền hòa bình độc lập hôm nay.

Hải Yến
 


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ