A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về nơi những con tàu xuyên bão lửa B-52

QPTĐ-Nằm khép mình khuất sau con phố Khâm Thiên sầm uất, là Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, nơi lưu dấu nhiều chiến công của những người lái tàu, một thời đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, xuyên bão lửa B-52 để nối liền mạch máu giao thông, góp phần cùng với quân và dân Thủ đô làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Tự vệ Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội sẵn sàng chiến đấu trong những năm kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh: Tư liệu)

Ký ức là những chiến công

“Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay/Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”. Những ca từ trong trẻo trong ca khúc “Tàu anh qua núi” của cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đã ăn sâu vào trái tim hàng triệu người dân Việt và rất gần gũi với hình ảnh những chuyến tàu ngày đêm xuôi ngược trên hành trình thiên lý Bắc-Nam. Nhưng để có những chuyến tàu vững vàng “đi suốt bốn mùa vui” ấy, là công sức đóng góp không nhỏ với những mất mát, hy sinh thầm lặng rất lớn của những công nhân Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. Theo lịch sử, tiền thân Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội là các Đề-pô xe lửa do Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Tháng 10 năm 1954, ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội, năm 1955 các Đề-pô xe lửa được tổ chức lại lấy tên là “Đoạn đầu máy Hà Nội”, sau này là Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tất cả các tuyến đường sắt đều trở thành trọng điểm đánh phá của địch. Chúng sử dụng không quân ném xuống tuyến đường sắt hơn 7.600 tấn bom các loại, phá hủy 430 cầu, 190 km đường sắt, 30 đầu máy, 266 toa xe, 539 goòng. Nhưng bất chấp mưa bom bão đạn, với khẩu hiệu “Qua sông không cầu, chạy tàu không ga” và “Địch phá ta cứ đi-Địch phá ta sửa ta đi…”, cùng với nỗ lực chung của quân và dân Thủ đô, những công nhân của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đã vượt mọi khó khăn, bằng mọi cách đưa tàu đến đích an toàn, hoàn thành nhiệm vụ chở vũ khí, đạn dược, lương thực phục vụ bộ đội chiến đấu. Đặc biệt là trong chiến dịch mang tên mật danh Linebacker II tháng 12/1972, Mỹ đã sử dụng các loại vũ khí, trang bị hiện đại nhất như “siêu pháo đài bay” B-52, “Thần sấm”, “Con ma” tiến hành ném bom quy mô lớn nhất vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác, quyết đưa miền Bắc trở về “thời kỳ đồ đá”. Để đảm bảo an toàn và duy trì sản xuất, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đã nhanh chóng vận chuyển hàng trăm tấn thiết bị, máy móc đến nơi sơ tán. Thực hiện chỉ thị của Đảng, đảm bảo giao thông-vận tải thông suốt trong bất kỳ tình huống nào, đơn vị đã xây hầm, cất giấu đầu máy ở các khu đầu mối như Yên Viên, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, nhằm mục đích bảo toàn đầu máy và kéo hàng chuyển tiếp nếu cầu hoặc đường bị bom Mỹ đánh hỏng. Trong suốt 12 ngày đêm ác liệt của “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng tự vệ của Xí nghiệp đã cùng với quân và dân Thủ đô Hà Nội chiến đấu với lực lượng không quân hiện đại nhất của Mỹ. 2 khẩu đội súng phòng không 14,5mm của tự vệ Xí nghiệp thường trực chiến đấu suốt ngày đêm, ăn, ngủ tại chiến hào, luôn ở vị trí sẵn sàng chiến đấu và đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt một máy bay “Thần sấm” (F-105) của giặc Mỹ. Mặc dù nằm trong vùng trọng điểm đánh phá, nhưng gần 2.000 cán bộ, nhân viên của Xí nghiệp vẫn bám trụ, làm công sự bảo vệ máy móc, sản xuất ngày đêm dưới làn bom đạn địch, nhiều đầu máy đã được xuất xưởng đưa ra vận chuyển được ngay, phục vụ liên tục cho đường sắt vận tải hàng hóa, đưa chuyển bộ đội, vũ khí tiếp tục vào Nam chiến đấu. Những công nhân lái máy của đơn vị vẫn lên đường vượt qua bom đạn, duy trì mạch máu giao thông thông suốt, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ buộc chính quyền R.Nixon phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với những thành tích tiêu biểu, nhiều tập thể, cá nhân của Xí nghiệp được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động, năm 2010 Xí nghiệp được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Xây dựng đơn vị vững mạnh

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Thắng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Xí nghiệp cho biết: “Hiện nay, Xí nghiệp có tổng số hơn 500 cán bộ, nhân viên, quản lý 52 đầu máy vận dụng gồm 2 chủng loại D19E và D12E. Trong đó có 30 đầu máy D19E, được đánh giá thuộc nhóm I, nhóm đầu máy hiện đại nhất Đường sắt Việt Nam hiện nay. Những năm qua, phong trào thi đua, công tác khen thưởng của Xí nghiệp đã được triển khai thực hiện hiệu quả trên các mặt công tác, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất, kinh doanh”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong quá trình xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Xí nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ một cơ sở sản xuất nghèo nàn, chắp vá về cơ sở vật chất và sức kéo, đời sống cán bộ, nhân viên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đến nay Xí nghiệp đang là đơn vị chủ lực cung cấp sức kéo của ngành. 

Để có được thành tích đó, Xí nghiệp đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy yếu tố nội lực, vượt qua những khó khăn, thách thức, phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, công tác và đời sống, như: Thi đua lái tàu an toàn, đúng giờ, tiết kiệm nhiên liệu; Thi đua nâng cao chất lượng sửa chữa, rút ngắn giờ dừng, đảm bảo chất lượng sửa chữa đầu máy các cấp đạt kế hoạch, cung cấp đủ đầu máy kéo tàu; Thi đua đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học- công nghệ... đã động viên nhiều nguồn lực, tiết kiệm nguồn vốn, góp phần vào việc tăng tỉ lệ nội địa hóa vật tư, phụ tùng đầu máy. Trong 5 năm qua, Xí nghiệp đã có tổng số 486 sáng kiến với số tiền làm lợi ước đạt hơn 18,4 tỷ đồng.

Bên cạnh chăm lo phát triển sản xuất, kinh doanh, Xí nghiệp luôn thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Đồng chí Nguyễn Tiến Lực, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS Xí nghiệp cho biết: “Đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị hoạt động trải dài trên các tuyến đường sắt, trong đó 50% cán bộ, nhân viên lái tàu làm việc theo chế độ ban kíp, luôn lưu động trên đường. Đây chính là những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng của đơn vị. Nhưng Ban CHQS Xí nghiệp luôn chủ động tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc Xí nghiệp có nhiều giải pháp hiệu quả trong thực hiện công tác quân sự, quốc phòng, như: Xây dựng Ban CHQS đầy đủ theo mẫu biểu biên chế, xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh; bố trí thời gian, công việc ưu tiên cho nhiệm vụ quân sự. Nhờ đó, công tác huấn luyện, diễn tập, trực sẵn sàng chiến đấu; công tác giáo dục chính trị, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho các đối tượng được Xí nghiệp duy trì nền nếp và ngày càng chất lượng; kết quả kiểm tra huấn luyện hàng năm đều đạt 100% yêu cầu, trong đó có 75 đến 80% khá, giỏi, đơn vị an toàn tuyệt đối, tham gia hội thi, hội thao do Ban CHQS quận Đống Đa và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức luôn đạt giải cao. Ban CHQS Xí nghiệp 10 năm liên tục đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc”. 

Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ