A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thế trận chiến tranh nhân dân trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”

QPTĐ-Chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972 là một cuộc đấu trí, đấu lực vô cùng quyết liệt của quân và dân miền Bắc nói chung, quân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng với không quân Mỹ. Trong đó, có một yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đó là nghệ thuật chuẩn bị thế trận, dự kiến trước tình huống, phát huy trí tuệ sáng tạo của quần chúng, huy động mọi lực lượng hăng say chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu để giành thắng lợi.

Tự vệ Thủ đô sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội (tháng 12/1972). (Ảnh: Tư liệu)

Chủ động chuẩn bị đánh địch

Để đối phó với chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ, ngày 16/4/1972, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp ra thông báo cho quân và dân Thủ đô sẵn sàng chiến đấu và làm tốt công tác phòng không nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của, nhất là ở những nơi tập trung đông dân cư, kho tàng, cơ sở công nghiệp, bảo đảm giao thông và khắc phục hậu quả khi địch đánh phá. Với phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ”, Hà Nội đã phát huy được mọi nguồn lực, cả con người và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đáp ứng yêu cầu của thời chiến. Ngày 02/12/1972, Ban Thường vụ Thành ủy họp quyết định chủ trương thực hiện sơ tán cấp tốc người già, trẻ em, những người dân không trực tiếp chiến đấu và những cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành. Đồng thời, triển khai kế hoạch phòng tránh, đào hầm trú ẩn, bảo đảm sản xuất, cung ứng đủ điện nước và các nhu cầu thiết yếu khi bị địch đánh phá. 

Hội đồng Phòng không nhân dân Thành phố chỉ đạo các khu phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học, bằng mọi hình thức, phương tiện, từ cơ giới đến thô sơ để đưa dân đi sơ tán khẩn cấp. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Thành ủy Hà Nội, triệu người như một, đoàn kết hiệp đồng, quyết chiến, quyết thắng, sơ tán gần 50 vạn dân và hàng nghìn cơ quan, xí nghiệp, trường học ra khỏi các mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ. Cũng trong thời gian này, toàn Thành phố đã xây dựng được 45.000km giao thông hào, 5.600 hầm tập thể, hơn 63 vạn hố cá nhân bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người, huy động hàng trăm máy ủi, cần cẩu, xe chữa cháy sẵn sàng ứng cứu kịp thời. Thành lập 1.202 điểm và tổ cấp cứu, 266 cơ sở cấp cứu điều trị, 64 đội cấp cứu lưu động, 11 đội phẫu thuật cơ động. Tất cả được tổ chức thành tuyến, phục vụ chặt chẽ từ trận địa, đến trung tuyến, hậu tuyến. Mạng lưới thông tin liên lạc vô tuyến, hữu tuyến, các trạm quan sát, cảnh báo, hệ thống đài truyền thanh, báo động phòng không được triển khai thực hiện đồng bộ, bảo đảm thông suốt, phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân Thủ đô phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại của địch, bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân.

Xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc

Thành phố Hà Nội có mật độ dân cư đông, nhiều công trình, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp quan trọng, là nơi tập trung các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quân đội, trong điều kiện đó, nếu công tác phòng không nhân dân không được chuẩn bị tốt sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng nề, thương vong lớn. Do vậy, quân và dân Thủ đô đã chủ động phối hợp với các lực lượng phòng không quốc gia và nhân dân các tỉnh, thành lân cận, xây dựng “lưới lửa” phòng không nhân dân 3 thứ quân, với mọi thứ vũ khí từ thông thường đến hiện đại, phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái và phục vụ chiến đấu. Trong đó, Thành phố đã huy động khoảng 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy được bố trí ở 295 trận địa, 4 đại đội pháo cao xạ 100mm, 92 trận địa súng máy cao xạ 14.5mm, hơn 100 súng trường của dân quân tự vệ các nhà máy, hợp tác xã ở nội và ngoại thành sẵn sàng cơ động đánh địch tập kích đường không và truy lùng giặc lái máy bay Mỹ nhảy dù. Một “vòng cung lửa” đã giăng khép kín cả về tầm cao và phạm vi rộng lớn, làm chủ thế trận đánh địch trên bầu trời Hà Nội. 

Sau 12 ngày đêm (từ 18-30/12/1972), quân và dân Thủ đô Hà Nội đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường, phối hợp chặt chẽ với bộ đội Phòng không-Không quân quốc gia làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của đế quốc Mỹ. Bắn rơi 81 máy bay hiện đại của Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 chiếc F-111A bị tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái. Hòa chung chiến công đó, quân dân Thủ đô và bộ đội phòng không-không quân bảo vệ Thủ đô đã góp phần xuất sắc, bắn rơi 30 máy bay Mỹ, trong đó có 23 chiếc B-52 và 2 chiếc máy bay F-111A. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” được ghi nhận là chiến công chói lọi, là đỉnh cao về nghệ thuật xây dựng và tạo lập thế trận phòng không nhân dân vững chắc của quân và dân Thủ đô chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. 

Để có được Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Thành phố đã tập trung cao độ, chủ động, nhạy bén, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Từ đó, đề ra mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ và các chủ trương, giải pháp phù hợp để chủ động xây dựng và tạo lập thế trận phòng không nhân dân vững chắc, chống địch tập kích đường không có hiệu quả cao. Cùng với đó, các cấp ủy Đảng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo được sự đồng thuận cao trong Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, ác liệt, đoàn kết, dũng cảm chiến đấu, đánh thắng cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ. 

TÙNG CHI
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ