A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiện vật biết nói của cựu phi công Mỹ

QPTĐ-Những hiện vật của phi công Mỹ được thu giữ sau chiến tranh và vật dụng trong trại giam Hỏa Lò được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52, hé lộ cho ta phần nào về cuộc sống của phi công Mỹ sau khi bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc và tinh thần nhân đạo của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với đế quốc Mỹ.

Những hiện vật của tù binh Mỹ được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52.

 

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, tạo ra bước ngoặt chính trị, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, tạo ra thế và lực mới tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Các phi công Mỹ từ nhiều địa phương ở miền Bắc được đưa về trại giam Hỏa Lò.  

Từ năm 1964-1973, nhà tù Hỏa Lò (ký hiệu quân sự là T141) dùng để giam giữ phi công Mỹ, tù binh Mỹ ở đây thường gọi Hỏa Lò với cái tên hài hước là “khách sạn Hilton -Hà Nội” hay khách sạn vỡ tim. Trong điều kiện đất nước chiến tranh, người dân còn nghèo nàn và đói khổ, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn tạo những điều kiện tốt nhất cho tù binh, với một chế độ chăm sóc đặc biệt. Khi mới vào trại, họ được trang bị đầy đủ: Quần áo, chăn màn, giày dép… Phi công Mỹ được hưởng 3 bữa một ngày với tiêu chuẩn ăn là 1.6 đồng, trong khi tiêu chuẩn ăn áp dụng cho cán bộ, chiến sĩ là 0.68 đồng/ngày. Các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động thể thao, đọc sách báo, theo dõi tin tức, được tổ chức thường xuyên trong trại giam. Việc chăm sóc sức khỏe cho tù binh Mỹ được đảm bảo chu đáo, kịp thời, được thăm khám theo định kỳ. Sau cú sốc ban đầu, phi công Mỹ nhanh chóng ổn định tinh thần, thích nghi với điều kiện sinh hoạt mới. Đây là những cái nhìn chân thực, thực tế nhất về tình hình các phi công Mỹ trong trại giam, do chính những người lính Mỹ cảm nhận và kể lại. Phi công Mỹ Walter Eugene Wilber, một cựu chiến binh Mỹ cho hay, trong suốt những năm tháng bị giam giữ tại đây, ông đã nhận được sự đối đãi tử tế và khoan dung. Trước những tin đồn về việc tù nhân Mỹ ở Việt Nam bị đánh đập, tra tấn, đối xử tàn nhẫn, khi trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Quốc gia Mỹ, ông cũng khẳng định: “Tôi không hề bị đánh đập hay bị đối xử tàn nhẫn như những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó”. Câu trả lời của Wilber là một minh chứng cho thấy sự nhân đạo, khoan hồng của chính phủ Việt Nam với tù binh Mỹ, thể hiện tinh thần văn hóa nhân đạo và nhân ái cao cả từ ngàn năm của dân tộc Việt Nam. 

Các hiện vật của phi công Mỹ được ta thu được từ tháng 12/1972 như: Sách hướng dẫn tự cứu, thuốc hóa trang, phao (phao đơn, phao kép, phao thuyền)… các đồ vật tù binh Mỹ sử dụng trong nhà tù, và một số hình ảnh của các phi công Mỹ sinh hoạt trong trại giam Hỏa Lò, được trưng bày gọn gàng, ngăn nắp tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng B-52. Thông qua những kỷ vật của các cựu chiến binh Mỹ, Bảo tàng mong muốn du khách hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, về truyền thống hòa hiếu, nhân ái, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Qua đó, khẳng định những nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữ hai nước, gác lại những nỗi đau về chiến tranh trong quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho an ninh, hòa bình và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.

        Thái An
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội