A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Củng cố lực lượng tham gia và bảo vệ Lễ Độc lập

QPTĐ-Sau ngày 19 tháng 8, tại Hà Nội, chính quyền cách mạng các cấp được thiết lập. Phần lớn công chức trở lại công sở làm việc. Mọi hoạt động trong Thành phố được tiếp tục đảm bảo, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. 

Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

Ảnh: Tư liệu

Đối với lực lượng vũ trang, ngay sau khi khởi nghĩa thành công, các đơn vị tự vệ chiến đấu tập trung (chủ yếu đóng tại Trại Bảo an binh cũ và Phủ Khâm sai) được củng cố lại thành các đơn vị chủ lực. Bộ chỉ huy Bộ đội Hà Nội được thành lập. Trụ sở đóng tại Trại Bảo an binh cũ. Các chiến sĩ tự vệ trước đây mang các tên gọi khác nhau theo tổ chức của mình, từ chiến sĩ Thanh niên tuyên truyền xung phong, Tự vệ công nhân xung phong, Tự vệ chiến đấu, chiến sĩ danh dự giờ đây đều mang một cái tên chung "chiến sĩ Giải phóng quân Hà Nội", hay đơn giản hơn là "Bộ đội Hà Nội". Các đơn vị Giải phóng quân của Thủ đô trở thành một bộ phận của Giải phóng quân toàn quốc. 

Đội Công nhân xung phong, cùng với một số đơn vị tự vệ khác tham gia khởi nghĩa và đang chiếm giữ Phủ Khâm sai được tổ chức lại thành một chi đội Giải phóng quân. Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu cùng một số đơn vị tự vệ chiến đấu khác đang đóng giữ Trại Bảo an binh cũng được biên chế lại thành một chi đội. Các chi đội Giải phóng quân được mặc quân phục thống nhất, đội mũ ca-lô, đeo quân hiệu sao tròn của Giải phóng quân.

Sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, để triển khai công tác quân sự quốc phòng trên cả nước, ta chủ trương thành lập các chiến khu, mỗi chiến khu bao gồm một số tỉnh, thành. Riêng Hà Nội, do vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của mình, được gọi là Khu đặc biệt Hà Nội hay Đặc khu Hà Nội. 

Bộ chỉ huy Bộ đội Hà Nội thành lập sau Cách mạng Tháng Tám được củng cố và chuyển thành Bộ chỉ huy Khu đặc biệt Hà Nội đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu. Bộ chỉ huy Khu đặc biệt Hà Nội phụ trách các đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan trọng yếu của Trung ương và bảo vệ Thủ đô, nhưng không phụ trách lực lượng vũ trang địa phương. Quan hệ với Thành ủy và cơ quan chỉ huy tự vệ của thành phố Hà Nội là quan hệ phối hợp công tác. Cơ quan của Bộ chỉ huy Khu đặc biệt Hà Nội vẫn được đặt tại Trại Bảo an binh, số nhà 40 phố Hàng Bài.

Lúc này, chính quyền cách mạng mới thành lập, lực lượng vũ trang còn nhỏ bé, các đoàn thể cách mạng chưa phát triển rộng khắp, bọn phản động chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, ngoài ra, ta còn phải sẵn sàng đối phó với quân Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch (còn gọi là quân Tưởng) sắp sửa tràn vào với danh nghĩa tước khí giới của quân Nhật.

Yêu cầu khẩn cấp của Hà Nội là phải xây dựng và bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, mà quan trọng nhất là bảo vệ các cơ quan đầu não của Thành phố, của Xứ ủy và Trung ương. Các đơn vị chủ lực mới được hình thành, lực lượng còn mỏng, thuộc Bộ chỉ huy Khu đặc biệt Hà Nội, là lực lượng cơ động của Bộ, tuy làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội, song cũng không thể xé lẻ lực lượng, hoạt động phân tán bảo vệ từng công sở. Lực lượng công an nhân dân vừa mới hình thành cũng chưa đủ sức bảo vệ tất cả các cơ quan đầu não. 

Trước tình hình đó, nhiệm vụ củng cố và phát triển lực lượng vũ trang địa phương trở thành một yêu cầu cấp bách. Sau khi các đơn vị tự vệ tập trung do Thành ủy trực tiếp lãnh đạo như Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, Đội Danh dự, Đội Công nhân xung phong được chuyển thành các đơn vị chủ lực Giải phóng quân thuộc Bộ chỉ huy Khu đặc biệt Hà Nội, trực thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, các đơn vị tự vệ rộng rãi ở các cơ quan, nhà máy, khu phố ra đời trước và trong Cách mạng Tháng Tám được củng cố lại, tổ chức chặt chẽ hơn để bảo vệ cơ sở của mình. Lực lượng rộng rãi đó được gọi tên chung là Tự vệ Thành. Tự vệ Thành có phù hiệu sao vuông trên mũ để phân biệt với sao tròn của bộ đội chủ lực Giải phóng quân.

Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội cũng cần có một đơn vị vũ trang làm nhiệm vụ cơ động của Thành phố để cùng các lực lượng khác bảo vệ các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Việt Minh của Trung ương, Xứ ủy và Thành phố. Đơn vị này còn phải làm nhiệm vụ xung kích trong các cuộc vận động lớn của Thành phố, các chiến dịch tuyên truyền cho nhân dân, huấn luyện quân sự, chính trị cho Tự vệ Thành, cùng công an xung kích tiêu diệt các ổ Việt gian, phản động chống phá cách mạng; khi có tác chiến thì chiến đấu như một đơn vị quân đội thực sự. Từ chủ trương đó, Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu được thành lập. Từ ngày 21 đến ngày 28 tháng 8, Đội tiếp nhận các đơn vị tự vệ, các cán bộ, chiến sĩ tự vệ được giới thiệu từ cơ sở về. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu chính thức ra đời. 

Ngay khi thành lập, Đội đã tổ chức biên chế các đơn vị, trang phục thống nhất, trang bị thêm súng đạn, tổ chức bếp ăn tập trung, nhanh chóng ổn định chỗ ăn ở, tiến hành huấn luyện chính trị, quân sự, thực hiện canh gác tuần tra ngày đêm. Đội có quân hiệu trên mũ ca-lô là ngôi sao tròn với chữ "TVCĐ" để phân biệt với Tự vệ Thành và bộ đội Giải phóng quân. Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu ra đời đánh dấu một bước tiến mới trong việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương của Hà Nội. Đây vừa là đội quân chiến đấu và đội quân công tác của Thành phố, sẵn sàng làm mọi nhiệm vụ mà cấp ủy và chính quyền Thành phố giao cho. Lực lượng vũ trang địa phương từ đây không chỉ phát triển rộng rãi tại các cơ sở mà còn có đơn vị tập trung với phương hướng xây dựng đơn vị có chất lượng chiến đấu cao.

Trong những ngày cuối tháng 8 và ngày 1 tháng 9, các đơn vị Giải phóng quân thuộc Khu Đặc biệt Hà Nội, Tự vệ chiến đấu, Tự vệ Thành Hà Nội khẩn trương tập dượt để tham gia và bảo vệ Lễ Độc lập, một nhiệm vụ và vinh dự lớn lao đầu tiên của các lực lượng vũ trang toàn Thành phố.

QPTĐ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ