Chuyện về những người tiếp quản Thủ đô
QPTĐ-Với sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, chính quyền Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã lập nhiều kỳ tích trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng Thủ đô, mở ra kỷ nguyên độc lập và phát triển mới cho dân tộc Việt Nam. 70 năm đã trôi qua, nhưng những cảm xúc trong ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của những người lính, người cán bộ tiền khởi nghĩa từng tham gia tiếp quản Thủ đô.
Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào sáng 10/10/1954
trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân.
Ảnh Tư liệu: TTXVN
Chúng tôi có dịp gặp ông Vũ Như Ngô ở phường Trung Tự, quận Đống Đa, là cán bộ Tiền khởi nghĩa từng tham gia chiến dịch Thượng Lào, Điện Biên Phủ sau đó tiếp quản Thủ đô. Ông trong Đoàn cán bộ hành chính và ký kết bàn giao với Pháp trụ sở Phủ toàn quyền cũ. Sinh ra và lớn lên ở Thủ đô, chứng kiến sự thăng trầm của Hà Nội nên hơn bao giờ hết, người cựu chiến binh năm xưa cảm thấy rất bùi ngùi, xúc động mỗi khi nhớ lại những phút giây trọng đại của dân tộc. Ông kể: “Trước khi tiếp quản Thủ đô, tôi đang công tác ở Bộ Nội vụ thì được lệnh tập trung để tham gia Đoàn cán bộ hành chính tiếp quản Thủ đô. Tôi cùng một đồng chí tham gia tiếp quản trụ sở Phủ toàn quyền. Chúng tôi có nhiệm vụ kiểm kê toàn bộ tài sản còn-mất bao nhiêu và ghi vào biên bản. Tôi cùng với họ đi từng phòng một, kiểm kê tất cả các đồ đạc, tài liệu, vật liệu trong phòng đó, cùng nhau đánh giá, ghi chép tỉ mỉ, từ bộ ấm chén, bàn, ghế… Đến chiều tối ngày mùng 9-10, chúng tôi mới kết thúc nhiệm vụ đó”.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Cục Phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu
chia sẻ về những ngày lịch sử trọng đại bản thân vinh dự được tham gia.
Nói về việc là người được chọn đi tiếp quản Thủ đô, ông cho biết, mình cũng rất bất ngờ về chuyện này. Ông Ngô chia sẻ: “Năm 1946, khi Pháp đánh chiếm Hà Nội, trong lúc kháng chiến ở trong rừng trên Chiến khu Việt Bắc, anh em ngồi nói chuyện với nhau, tôi bảo, giá có ngày giải phóng Thủ đô, mình được trực tiếp tiếp quản thì thật vui. Sau đó, ông Trần Duy Hưng, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ trực tiếp phân công tôi đi. Trước khi tiếp quản, chúng tôi nhận được lệnh tập trung một tuần (cùng một số bộ phận khác) để tập huấn công tác tiếp quản như: Nội quy, nhiệm vụ và kỷ luật khi vào tiếp quản Thủ đô. Để ăn mặc thống nhất, mỗi người được phát một bộ quần áo “đại cán” và đôi giầy đế cao su”, “có lẽ mình là người Thủ đô nên được tin cậy và ưu ái chọn”-ông cười và nói.
Ông Ngô cho biết: “Do thực dân Pháp âm mưu phá hoại thành phố Hà Nội về mọi mặt trước khi chuyển giao cho Chính phủ kháng chiến; ngăn cản không cho ta nhanh chóng xây dựng Thủ đô Hà Nội. Trước mắt, chúng muốn ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn, làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, để cho Thủ đô được vẹn toàn, Hồ Chủ tịch, Đảng, Chính phủ mới bàn chuyện cho Đoàn cán bộ hành chính vào trước, cùng với Đảng bộ, chính quyền Hà Nội vận động quần chúng nhân dân. Chúng tôi vào trước một mặt để ổn định tâm lý của bà con, yên tâm ở lại Thủ đô, tuyên truyền rõ chính sách của Đảng và Nhà nước ta để nhân dân hiểu rõ, từ đó đấu tranh với Pháp. Đồng thời, mặt khác làm sao để các hoạt động cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, hành chính tiếp tục hoạt động bình thường trước khi vào tiếp quản”.
Sáng 10-10-1954, các đơn vị Quân đội và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa, chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô. Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Cục Phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu lúc bấy giờ thuộc đơn vị Bộ Tư lệnh Pháo binh cũng vào tiếp quản Thủ đô. Theo ông kể lại, trước khi vào tiếp quản phải mang mặc quần áo chỉnh tề theo quy định và học 10 điều kỷ luật khi tiếp quản. Trong đó, có các điều như: Không được mua, bán, ăn uống, nhận cái gì của nhân dân, chấp hành nghiêm mệnh lệnh quy định của cấp trên, đúng giờ có mặt tại đơn vị…
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Tài, có một điều đặc biệt với ông là trước khi ra đi, Thành phố nghi ngút trong bom đạn, khói lửa, còn ngày trở về, Hà Nội rực rỡ trong cờ hoa. Chứng kiến cảnh Hà Nội trong khói lửa bởi thời điểm ấy, ông công tác ở Bộ Chỉ huy Chiến khu 12, tháng 12-1946, ông cùng với cấp trên về Hà Nội công tác. Vì vậy, ông được chứng kiến việc quân Pháp nổ súng, đánh chiếm vào Hà Nội. “Quân và dân Thủ đô đã có sự chuẩn bị chu đáo trước ngày kháng chiến toàn quốc. Với tinh thần quyết tâm và nghĩ đến ngày giải phóng, nhân dân Thủ đô không có gì tỏ ra lo lắng trước sự xâm lược của thực dân Pháp và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Thủ đô Hà Nội.”-Đại tá Tài chia sẻ.
Đã 70 năm trôi qua, nhưng tâm trí ngày giải phóng, tiếp quản Thủ đô vẫn còn in sâu trong tâm trí ông, bởi những lúc chiến đấu gian khổ, ông luôn mơ về Hà Nội “dáng kiều thơm” và hẹn ngày trở lại. Ông vẫn nhớ như in ngày trở về “trùng trùng quân đi như sóng” giữa cờ hoa rợp khắp phố phường: “Khi về đến Hà Nội, nhìn các cụ già, em bé, đến công nhân, trí thức, doanh nhân và các cô, các chị với tà áo dài thướt tha, cầm hoa đón mừng bộ đội, chúng tôi cảm thấy xúc động vô cùng. Suốt năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt, bản thân tôi đã trải qua rất nhiều chiến thắng từ nhỏ đến lớn; khi tiêu diệt kẻ thù, dù chỉ là một đồn địch, giải phóng một làng đã sung sướng lắm rồi. Chiến đấu giải phóng một huyện như Yên Bái hay một vùng Tây Bắc, niềm vui sướng nâng lên gấp bội. Còn lần này, chúng tôi giải phóng hoàn toàn miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước thì niềm vui thực sự không thể tả xiết. Đó là cảm giác mà trong cuộc đời chiến đấu ít người có được. Vì thế, tôi nghĩ mình là người may mắn trong đoàn quân được tiến về Thủ đô”.
Khi nhớ lại những ngày lịch sử trọng đại ấy, thế hệ những người như ông Ngô, ông Tài luôn cảm thấy bồi hồi, xúc động tưởng nhớ và biết ơn vô hạn tới Đảng, Chính phủ và với Bác Hồ-vị lãnh tụ thiên tài và kính yêu, nhớ tới hàng vạn đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên các chiến trường cùng hàng triệu đồng bào đã hi sinh để Tổ quốc, Thủ đô có được ngày hôm nay. Các ông cũng không khỏi tự hào khi chứng kiến Thủ đô Hà Nội có những thành tích đáng tự hào, đang từng ngày thay da, đổi thịt và phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Các ông mong muốn thế hệ trẻ hiện nay cần phải phát huy truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, ý thức tự lực, tự cường của dân tộc, đóng góp sức lực để xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.
Chia tay người cán bộ Tiền khởi nghĩa và cán bộ lão thành cách mạng, trong lòng mỗi chúng tôi vẫn còn văng vẳng những câu thơ trong bài thơ “Lại về” của nhà thơ Tố Hữu mà các ông đã đọc cho nghe: “Tay vui sóng vỗ dạt dào. Người về kẻ đợi, mừng nào mừng hơn? Biết bao sung sướng tủi hờn. Trông nhau mà tưởng như còn trong mơ”.
TRẦN ĐỨC