A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954-Quyết định lịch sử

QPTĐ- Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được Bộ Chính trị phê chuẩn mang mật danh Chiến dịch Trần Đình, ngày 14 tháng 1 năm 1954, tại Thẩm Phúa, Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy Chiến dịch mở hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch tiêu diệt tập đoàn Điện Biên Phủ theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, Chiến khu Việt Bắc, 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị thông qua chủ trương, 

kế hoạch tác chiến Đông – Xuân (1953 – 1954), quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.  

Ý định ban đầu của ta là “Tập trung ưu thế binh lực, hoả lực đột phá chủ yếu từ phía Tây đánh thắng vào trung tâm Mường Thanh đồng thời từ phía Đông giáp công...”, dự kiến ngày 20 tháng 1 năm 1954 sẽ nổ súng.

Trong quá trình chuẩn bị Chiến dịch, ta thấy địch đã ráo riết xây dựng trận địa phòng ngự vững chắc hơn, đồng thời hàng ngày sử dụng từ 50 đến 60 chuyến máy bay chở từ 150 đến 200 tấn hàng tăng cường cho việc phòng thủ Điện Biên Phủ. Mặt khác, việc làm đường và đưa pháo vào trận địa của ta gặp rất nhiều khó khăn, ta chỉ dự kiến kéo pháo trong ba đêm song thực tế phải dùng một đại đoàn bộ binh kéo pháo trong bảy đêm liền mà pháo vẫn chưa vào hết vị trí. Bộ Chỉ huy Chiến dịch phải lùi thời hạn nổ súng vào 16 giờ ngày 25 tháng 1 năm 1954.

Trước sự tăng cường phòng ngự của địch và những khó khăn của ta về kéo pháo, Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhận thấy nếu đánh theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì không đảm bảo chắc thắng. Đúng 15 giờ 45 phút ngày 25 tháng 1 năm 1954 (trước thời hạn nổ súng 15 phút), Bộ Chỉ huy quyết định hạ lệnh đình chỉ cuộc tiến công, kéo pháo ra, rút bộ đội, dân công về vị trí tập kết, và tiến hành mọi công tác chuẩn bị theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Đại đoàn 308 được lệnh tiến công sang Thượng Lào nhằm giúp bạn mở rộng vùng giải phóng và nghi binh thu hút địch, tạo điều kiện cho các đơn vị ở Điện Biên Phủ rút ra chuẩn bị tiếp.

Theo kế hoạch mới, việc chuẩn bị và thực hành chiến dịch chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1: Hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, chủ yếu là làm đường vận chuyển, xây dựng các trận địa pháo binh thật kiên cố, bí mật, triển khai đội hình bao vây khống chế sân bay.

Giai đoạn 2: Tiến hành đánh bao vây nhằm tiêu diệt các trung tâm đề kháng ngoại vi, hình thành và thắt chặt trận địa bao vây tiến công địch, thu hẹp dần phạm vi chiếm đóng, tiêu hao lực lượng, khống chế sân bay.

Giai đoạn 3: Tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Về tác chiến, giai đoạn thực hành chiến dịch dự định chia làm hai đợt.

Đợt 1: Tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt các trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, phá vỡ thế trận phòng ngự ở phía Bắc và Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm, chiếm địa hình có lợi, siết chặt trận địa bao vây tiến công.

Đợt 2: Mở các trận tiến công tiêu diệt các cụm cứ điểm trên dãy điểm cao phía Đông, đồng thời ở phía Bắc tiến vào chiếm lĩnh sân bay, hình thành vòng vây lửa xung quanh tập đoàn cứ điểm, thu hẹp không phận và sự tiếp viện của địch, tạo thời cơ chuyển sang tổng công kích. Sở chỉ huy chiến dịch đặt tại Mường Phăng. Thời gian nổ súng dự định vào ngày 13 tháng 3 năm 1954.

Việc chuẩn bị cho chiến dịch theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” được tập trung triển khai từ sau Hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 7 tháng 2 năm 1954. Công việc nặng nề nhất là chuẩn bị đường cơ động và xây dựng trận địa kiên cố cho pháo. Lần này ta chủ trương bố trí pháo phân tán trên các điểm cao thành một đường vòng cung bao lấy tập đoàn cứ điểm để có thể ngắm bắn trực tiếp các mục tiêu dưới lòng chảo. Qua nghiên cứu thực địa, ta tìm được sáu trận địa cho các đại đội lựu pháo 105mm. Cự ly từ các trận địa pháo đến trung tâm Mường Thanh khoảng từ sáu đến tám ki-lô-mét (tức nằm gọn trong trong tầm bắn có hiệu quả của pháo binh hạng nặng của ta).

Cùng với việc xây dựng trận địa pháo, các đại đoàn bộ binh còn tổ chức xây dựng một hệ thống công sự trận địa tiến công quy mô lớn. Các sở chỉ huy, hầm thương binh, hầm nghỉ đều được cấu trúc kiên cố.

Công tác đảm bảo hậu cần cho Chiến dịch được Trung ương Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Theo tính toán, khối lượng vật chất đảm bảo cho chiến dịch đánh theo phương châm, đánh chắc, tiến chắc tăng vọt lên gấp hai, ba lần. Riêng về lương thực, tổng số gạo cần huy động không phải là trên bảy nghìn tấn như trước mà là trên 20 nghìn tấn. Trung ương Đảng và Chính phủ đã động viên toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, đảm bảo cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hệ thống đường vận chuyển cơ giới, đường thuỷ và đường bộ được tổ chức chặt chẽ để đảm bảo cho chiến dịch.

Tổng cục Cung cấp tiền phương được tăng cường thêm lực lượng (tổng quân số gồm 3.168 cán bộ chiến sĩ và hơn ba mươi nghìn dân công) để tổ chức lại một bộ máy hậu cần chiến dịch gồm sở chỉ huy hậu phương, các kho, các tuyến vận tải, các đội điều trị...

Vào cuối thượng tuần tháng 3, sau một thời gian cố gắng liên tục, công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn thành, thế trận Chiến dịch đã triển khai xong, các đơn vị đã sẵn sàng nổ súng vào đúng ngày quy định.

PHƯƠNG LINH (st)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ