A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“An toàn khu”-Điểm tựa của Thủ đô trong kháng chiến

QPTĐ- Cách đây hơn 70 năm, Trung ương đã chọn nhiều làng, xã trên địa bàn huyện Đông Anh để thành lập An toàn khu (ATK) kháng chiến. Mặc dù ở ngay sát cơ quan đầu não của quân địch, chịu cảnh “Nửa đêm thuế thúc trống dồn/Sân đình máu chảy đường thôn lính đầy”, thế nhưng người dân Đông Anh vẫn kiên cường bám trụ vượt qua những trận càn, những cuộc đàn áp khốc liệt để chở che cho nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, từ đó lãnh đạo phong trào cách mạng giành độc lập cho nước nhà. Mảnh đất ATK kiên cường ấy, hôm nay đang vươn lên mạnh mẽ, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Diễn tập khu vực phòng thủ huyện Đông Anh năm 2022.

Đến Đông Anh hôm nay, mở ra trước mắt chúng tôi là những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn tươi tốt và các nhà máy, công trường cùng các công trình kiến trúc dân dụng đang mọc lên san sát, với tốc độ đô thị hóa nhanh. Nhìn mảnh đất Đông Anh đang chuyển mình thay da đổi thịt từng ngày, hẳn ít ai có thể tin rằng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cứu nước, nơi đây là một vùng quê máu lửa, chiến trường khốc liệt. 

Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ huyện, ngay từ những năm 1941, Trung ương đã quyết định chọn nhiều làng, xã trên địa bàn Đông Anh làm ATK, nằm gần cơ quan đầu não của địch, là nơi thuận lợi để nắm bắt tình hình quân địch báo cáo về Trung ương. Mặc dù giặc Pháp nhiều lần đàn áp, khủng bố, nhưng nhân dân Đông Anh vẫn kiên cường, anh dũng, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ cho các đồng chí lãnh đạo, trở thành tuyến lửa cầm chân quân địch lên chiến khu kháng chiến và đóng vai trò là cầu nối để các đoàn quân chủ lực lên Việt Bắc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Hoàng Văn Thụ... về chỉ đạo phong trào cách mạng của cả nước tại địa phương.

Chỉ đi dọc một quãng đê qua các xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Xuân Canh, Đông Hội... thôi mà có biết bao nhiêu câu chuyện hào hùng. Từ con đường, bến đò, dòng sông đều vang vọng những chiến công oanh liệt. Tiêu biểu như bến đò Xuân Canh, nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ năm xưa thường đi đò từ Yên Phụ sang với các cơ sở cách mạng. Gốc gạo chợ Bỏi, xã Hải Bối khi xưa là nơi cán bộ của Trung ương dừng chân trước khi tiếp tục đi lên Việt Bắc. 

Ngay gần bến đò Xuân Canh là pháo đài Xuân Canh, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đúng 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946, theo mệnh lệnh của Bộ Tổng Chỉ huy, công nhân Nhà máy điện Hà Nội cho nổ mìn phá máy phát điện, đèn điện toàn Thành phố vụt tắt. Ngay lập tức, pháo đài Xuân Canh cùng với pháo đài Láng, pháo đài Xuân Tảo khai hỏa, nã những viên đạn đầu tiên vào quân thù, đồng thời cũng là hiệu lệnh kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chưa kể còn rất nhiều địa danh ghi dấu sự sáng tạo, anh dũng của người dân Đông Anh trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Như địa đạo Nam Hồng, là công trình độc đáo, đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân “toàn dân, toàn diện” suốt các năm kháng chiến, vượt qua bao gian khổ, khó khăn, quân và dân Nam Hồng, Đông Anh đã đào đắp hàng vạn mét khối đất đá, hào lũy để xây dựng nên một làng kháng chiến liên hoàn với quy mô toàn xã, liên xã. Làng kháng chiến được hoàn chỉnh với hào lũy, hào nổi, hào ngầm, hầm bí mật, ụ chiến đấu. Riêng hệ thống hầm dài tới gần 10km, luồn lách khắp các xóm thôn và liên hoàn toàn xã. Địa đạo đã giúp cho bộ đội, dân quân du kích và cả nhân dân tránh sát thương và tác chiến đánh địch rất hiệu quả, làm nên những kỳ tích oai hùng với gần bốn trăm trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt, bắt sống lực lượng lớn quân địch.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân huyện Đông Anh không quản gian khổ, hy sinh, chiến đấu lập nhiều chiến công và đóng góp sức người, của cải, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kết thúc hai cuộc kháng chiến, huyện Đông Anh và 20 xã thuộc huyện được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”. Đúng như lời tựa trong cuốn “Địa chí Đông Anh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Đông Anh một vùng đất có vị thế hết sức đặc biệt, luôn được chọn là điểm tựa cho quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô và đất nước, một địa bàn đã trở thành một biểu tượng, hằng số của lịch sử, văn hóa Việt Nam”.

Từ lịch sử truyền thống và vị trí địa bàn chiến lược, nên lực lượng vũ trang huyện Đông Anh ra đời trong phong trào đấu tranh cách mạng từ rất sớm (21/8/1945). Phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày nay, để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, LLVT huyện Đông Anh luôn nỗ lực tổ chức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP), xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc; phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng trên địa bàn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 Nổi bật là, Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã quán triệt nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Huyện ủy và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp nâng cao năng lực làm công tác tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp với công an, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai công tác QS, QP đồng bộ, toàn diện, đạt hiệu quả cao. 

Cụ thể là: Hoàn thành toàn diện các nội dung, chỉ tiêu Chương trình 09 của Thành ủy; chỉ đạo gần 80 đầu mối dân quân tự vệ (DQTV) kiện toàn Ban CHQS cơ sở, xây dựng lực lượng DQTV theo mẫu biểu biên chế đúng quy định, bảo đảm chất lượng; kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng-an ninh huyện và Hội đồng Nghĩa vụ quân sự và Giáo dục quốc phòng-an ninh các xã, thị trấn. 

Hằng năm, lực lượng thường trực và 100% cơ sở DQTV tổ chức huấn luyện đúng, đủ nội dung, thời gian quy định; kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, có hơn 80% khá, giỏi; tham gia hội thao Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đạt giải cao. Chỉ đạo 100% xã, thị trấn diễn tập chiến đấu phòng thủ hoặc diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn. Đồng thời, hoàn thành tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; quản lý chặt chẽ nguồn dự bị động viên, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân. Công tác hậu phương quân đội luôn được quan tâm thực hiện tốt; các chế độ, chính sách cho LLVT, thương binh, liệt sĩ, người có công luôn bảo đảm đầy đủ, đúng quy định.

VĂN TUÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ