A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vàng hóa nền kinh tế: Lợi hay hại?

 

Với quan niệm vàng là loại tiền tệ mạnh, ít bị biến động theo thời gian, thói quen tích trữ vàng đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều người Việt Nam. Mỗi khi có biến động chính sách (thay đổi tỷ giá, lạm phát tăng cao...) người dân lại đổ xô rút tiền từ ngân hàng để đi mua vàng. Đặc biệt từ khi Chính phủ kiên quyết chống đô la hóa, thị trường vàng miếng lại càng sôi động. Do vàng chủ yếu nằm ngoài hệ thống ngân hàng, bị chi phối bởi các công ty kinh doanh vàng miếng, nên theo ước đoán của một số tổ chức thì  lượng vàng còn trong dân khoảng 1.000 tấn (tương đương với hơn 60 tỷ USD, theo giá hiện hành).

 

 

 Theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nước ta là một trong những quốc gia có mức nhập khẩu vàng cao và tăng đáng kể từ năm 2005 trở lại đây. Lượng vàng nhập khẩu trung bình hàng năm đã tăng lên trên  mức 50 tấn, cá biệt có năm lên tới trên dưới 100 tấn. Lượng vàng giao dịch hàng ngày qua các hãng vàng trong nước cũng lên tới hàng ngàn lượng.

 

Vàng hóa nền kinh tế lợi hay hại? Câu hỏi này được đặt ra từ khá lâu nhưng dường như chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bởi vậy, cứ có cơn sốt vàng là nền kinh tế lại nhập khẩu thêm vàng để can thiệp, bình ổn giá vàng. Doanh nghiệp lại mang ngoại tệ ra nhập vàng, lẽ ra phải dùng để nhập nguyên liệu, hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng. Cho nên, nếu vàng hóa nền kinh tế càng cao thì nguy cơ thiếu hụt ngoại tệ lại càng lớn, gây sức ép phá giá tiền Việt Nam càng lớn. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào về vàng có làm suy giảm vai trò tiền tệ của VNĐ, tuy nhiên khi có vàng miếng quá nhiều trong nền kinh tế (vàng hóa) có thể sẽ tạo ra trào lưu giữ vàng hơn là giữ tiền, nhất là khi lạm phát có xu hướng tăng cao. Lượng tiết kiệm có thể sử dụng được (nguồn cung tín dụng) của nền kinh tế giảm đi. Trong cung cầu vốn tín dụng trên thị trường tiền tệ, tình trạng vàng hóa nền kinh tế gia tăng sẽ dẫn đến lãi suất thị trường tiền tệ gia tăng.

 

Thống kê của WGC gần đây về lượng vàng của 10 nước hay tổ chức nắm giữ vàng lớn nhất thế giới cho thấy, những nước có đồng tiền mạnh thì có nguồn dự trữ vàng lớn. Thực tế gần đây, hiện tượng nhiều ngân hàng trung ương tăng cường mua vàng cho thấy quan điểm vàng có vai trò tiền tệ, là chỗ dựa quan trọng đối với mỗi đồng tiền quốc gia.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong điều kiện hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên tập trung nguồn vàng đã được nhập từ trước đến nay vào kho vàng của Nhà nước. Có thể là mua lại hay phát hành chứng chỉ vàng... và tinh luyện lại thành vàng tiêu chuẩn quốc tế, đi kèm với nó là một loạt chính sách hỗ trợ nhằm hạn chế lượng vàng hóa nền kinh tế. Có thể là đánh thuế giao dịch vàng miếng trên thị trường, khuyến khích gửi vàng vào hay “chuyển vàng” vào Ngân hàng Nhà nước. Cách thức này về bản chất tương đương với việc chuyển hóa vốn chết thành vốn tín dụng có thể cho vay được và chuyển phần dự trữ ngoại hối nằm rộng khắp trong dân vào trong tay Nhà nước (dự trữ ngoại hối chính thức). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, dự trữ ngoại hối chính thức tăng giá và ở mức cao thì đồng nội tệ thường đạt được sự tín nhiệm cao.

 

Nhằm tránh tình trạng vàng hóa nền kinh tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả thị trường này. Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau 4 năm triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đến nay thị trường vàng trong nước đang diễn biến khá ổn định, biến động của giá vàng không còn tác động lớn đến tỷ giá và đặc biệt là nhu cầu về vàng miếng đang giảm. Chênh lệch giá vàng nội và ngoại ngày càng thu hẹp. Thời gian tới có thể Chính phủ sẽ xem xét tất cả các ý kiến đề xuất thành lập hay phản đối thành lập sàn vàng, đều là những ý kiến để Ngân hàng Nhà nước phân tích, cân nhắc hết sức thận trọng trước khi đưa ra các biện pháp theo chủ trương của Chính phủ.

 

HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ