A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tinh hoa nghề đúc đồng Ngũ Xã

 

QPTĐ-Xưa kia nghề đúc đồng Ngũ Xã được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa nhất của kinh thành Thăng Long. Bởi thế mới có câu: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. 

 

 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng mong muốn nghề đúc đồng của Ngũ Xã sẽ được lưu giữ và tồn tại.

 

Ngũ Xã nghĩa là gồm có 5 làng (Đông Mai, Châu Mỹ, Làng Thượng, Diên Tiên và Dao Niên) thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hải Hưng và huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc cũ), vốn có nghề đúc đồng thủ công.  Dân 5 làng kéo về Thăng Long lập nghiệp và lập nên làng nghề đúc đồng mới, lấy tên Ngũ Xã để ghi nhớ 5 làng là quê gốc của mình. Họ tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã (nay thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.


Trong nghệ thuật đúc đồng Việt Nam, những người thợ đúc đồng làng Ngũ Xã được đánh giá có tay nghề bậc cao. Sản phẩm của họ làm ra trải qua thời gian vẫn được coi là hình mẫu về nghệ thuật và chất lượng mà không xưởng đúc đồng nào trong cả nước bì kịp. Điều làm nên sự khác biệt trong các sản phẩm của làng Ngũ Xã chính là ở kỹ thuật đúc liền khối. Việc đúc liền khối những sản phẩm nhỏ đã không hề đơn giản nên đối với những sản phẩm có kích thước lớn thì khó khăn này càng nhân lên gấp bội. Để đúc thành công một sản phẩm đòi hỏi người thợ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Với sản phẩm thuộc loại vừa và nhỏ thì mất khoảng ba đến bốn tháng mới hoàn thành, còn với các sản phẩm lớn như chuông, tượng thời gian có thể tính bằng năm.


Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng chia sẻ: “Người thợ đúc đồng chẳng khác nào người thợ đa năng, thông thạo nhiều bộ môn, từ tạo hình, đắp khuôn, cho đến nung lò, gọt giũa,… tất cả đều cần bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của người thợ tâm huyết làm nghề mới ra được sản phẩm ưng ý”.


Trong nhiều đình, chùa lớn trên cả nước, rất dễ bắt gặp những pho tượng và đồ thờ bằng đồng của làng Ngũ Xã. Với sự tinh hoa của mình, làng Ngũ Xã đã cho ra đời 2 công trình nghệ thuật độc đáo, tinh vi và kì vĩ. Có thể kể đến như tượng Huyền Thiên Trấn ở đền Quán Thánh, tượng cao khoảng 3,9 m nặng khoảng 4 tấn, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã cách đây 3 thế kỷ. Thứ hai là pho tượng Phật A-di-đa được đúc trong những năm 1949-1952, tượng cao 3,95m nặng 10 tấn, tọa trên một đài sen bằng đồng có 96 cánh ở chùa Thần Quang nằm ngay tại làng.


Vậy nhưng, ngày nay làng Ngũ Xã không còn “Lửa nhóm ghen năm xã gây lò”, dưới sức ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, nghề đúc đồng truyền thống bị thu hẹp thay vào đó là khu phố mới với nhiều dịch vụ thay thế. Làng bây giờ đã lên thành phố, nhà nối nhà san sát, không còn những bãi đất rộng để các xưởng đúc có thể đặt lò nung tại làng như xưa. Ngọn lửa đốt lò của các xưởng đúc đồng Ngũ Xã giờ chỉ còn được giữ bởi gia đình hai nghệ nhân đúc đồng là ông Nguyễn Văn Ứng và bà Ngô Thị Đan. Không truyền nghề ra ngoài đó là quy ước xưa của làng nghề. Tuy vậy trước nguy cơ thất truyền, ông Ứng đã lên kế hoạch mở một xưởng dạy nghề đúc đồng, với mong muốn nghề đúc đồng của Ngũ Xã sẽ được lưu giữ và tồn tại. Cùng với tư duy đổi mới, đôi bàn tay tài hoa và sự kiên trì, tỉ mỉ, những người thợ đúc đồng làng Ngũ Xã sẽ tiếp tục lưu giữ nét hồn dân tộc. 


HẢI YẾN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ