A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vững niềm tin nơi đảo xa

 

QPTĐ-“Bồi hồi xốn xang, tàu lướt sóng đưa tôi thăm Trường Sa. Đảo nhỏ yêu thương, một thời tuổi trẻ tôi đã qua. Đảo vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng dữ. Có sức người đảo bắt sóng, vẽ hoa”. Lần thứ ba được ra Trường Sa, trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc bồi hồi, xốn xang như được về quê sau bao ngày xa cách. Trong suốt hải trình, tại mỗi điểm đảo tôi đều cảm nhận được những đổi thay về huyện đảo Trường Sa tươi đẹp. 

 

 

Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết trong giờ huấn luyện Điều lệnh đội ngũ.

 

Là vùng lãnh thổ xa xôi của Tổ quốc và chịu thời tiết khắc nghiệt nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, sự nỗ lực của quân và dân trên đảo, Trường Sa hôm nay đổi thay từng ngày. Sự đổi thay lớn mạnh, toàn diện mọi mặt của huyện đảo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Đến thăm các đảo, chúng tôi ấn tượng với màu xanh của cây cối giữa ngàn khơi. Các công trình dân sinh được xây dựng cơ bản, từng bước hoàn thiện đảm bảo tốt cho sinh hoạt hàng ngày. Trung tá Trần Văn Quyển, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: Đảo Trường Sa là đảo lớn, có đơn vị hành chính cấp xã cùng nhiều hộ dân sinh sống. Đảo có cầu cảng, âu tàu, làng chài, nhiều năm qua đã hỗ trợ tích cực cho ngư dân tránh trú bão. Nhiều năm qua, đơn vị luôn phối hợp với UBND thị trấn Trường Sa quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ ngư dân về mọi mặt để ngư dân yên tâm bám biển; tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho thiếu nhi, phụ nữ trên đảo…


Ấn tượng hơn nữa là tất cả các đảo đều được trang bị máy phát điện, hệ thống điện năng lượng mặt trời, mạng viễn thông nên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở đây thường xuyên cập nhật thông tin nắm tình hình ở đất liền. Trong đó phải kể đến các nhà văn hóa đa năng trên các đảo chìm đã góp phần thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, tạo nơi tránh trú an toàn cho ngư dân bám biển, khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thiếu tá QNCN Vũ Phú Cường, đảo Cô Lin chia sẻ: “Nhiều năm trước đây, đối mặt với những điều kiện khó khăn, viết thư gửi về nhà cũng phải đến cả tháng thư mới tới nơi. Hiện nay, trên đảo đã có ti vi, điện thoại, internet, thông tin liên lạc thông suốt giúp chúng tôi thường xuyên được trò chuyện với người thân”.


Đặt chân lên các đảo nổi như: Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, chúng tôi thấy bệnh xá, trường học được nâng cấp, xây dựng khang trang, kiên cố, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại. Những ngôi chùa cũng được trùng tu, tôn tạo, góp phần nâng cao sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tâm linh của quân, dân trên đảo. Chị Vi Thu Trang, người dân sống trên đảo Song Tử Tây cho biết, sự hiện diện của ngôi chùa ở đảo đã giúp quân, dân được sinh hoạt văn hóa tinh thần như ở quê nhà. Vào ngày rằm, mùng một hàng tháng, chị và những người hàng xóm đều đến chùa thắp nhang, khấn phật cầu sức khỏe, bình an cho gia đình. 


Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, chúng tôi được biết, ở Trường Sa có 2 mùa nắng mưa, những con sóng lớn báo hiệu bão ghé thăm khoảng giữa tháng 6 đến đầu năm sau, đây là thời điểm các anh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và học tập, công tác. Đại úy Nguyễn Hữu Thanh, Trạm trưởng Trạm Ra- đa 11, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không-Không quân), những người lính sát cánh cùng bộ đội Hải quân ở Trường Sa cho biết: “Thời tiết khắc nghiệt kèm theo hơi mặn nước biển ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và hoạt động của khí tài.

 

Đặc biệt là khi vào mùa biển động, việc bảo quản vũ khí, trồng rau trở nên khó khăn gấp bội. Do đó, cán bộ, chiến sĩ trong trạm phải thường xuyên chăm lo, tích cực thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng duy trì nghiêm chế độ canh trực, ngày đêm bám máy, bám đài, quan sát và phát hiện kịp thời các mục tiêu trên không từ xa cùng với các lực lượng và nhân dân góp phần quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”.


Dưới tán cây phong ba xum xuê cành lá, chúng tôi được nghe Binh nhất Nguyễn Quốc Vũ, quê ở xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, làm nhiềm vụ trên đảo Sinh Tồn tâm sự: Tôi tình nguyện đi bộ đội và xung phong ra Trường Sa làm nhiệm vụ đến nay đã được hơn 5 tháng. Ở đây, chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới, đề cao tinh thần chủ động trong huấn luyện, làm chủ các loại vũ khí, trang bị có trong biên chế, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Có thể thấy, mặc dù cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió còn nhiều khó khăn vất vả nhưng chúng tôi vẫn thấy sự bừng sáng, lạc quan trong ánh mắt, tâm hồn người lính đảo. Thiên nhiên khắc nghiệt không khuất phục được ý chí và nghị lực của quân và dân Trường Sa, những người quyết giữ trọn dáng hình Tổ quốc nơi đầu sóng.


Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ