A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiếu nhân lực chất lượng cao

 

Đó là tình trạng phổ biến ở các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Một thông tin từ Nhà máy lắp ráp xe đạp điện, xe máy tại Khu công nghiệp Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, số công nhân có bằng cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 20%, phần lớn tập trung ở bộ phận hành chính, số còn lại là công nhân trực tiếp chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học. Đây là nỗi lo lớn trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng.

 

 

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ở Trường trung cấp nghề số 10-Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.   

            

Các khu công nghiệp sẽ ngày càng mở rộng và việc phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết, không chỉ là số lượng mà còn phải bảo đảm chất lượng, chuyên môn, tay nghề và tác phong làm việc. Các doanh nghiệp mong muốn tuyển dụng được những công nhân tay nghề cao, nhanh chóng làm chủ máy móc, thiết bị. Song sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học khi được chọn vào doanh nghiệp, cũng đều phải đào tạo lại. Thế là nảy sinh tình trạng nhiều doanh nghiệp lựa chọn lao động có độ tuổi trẻ hơn để có thể kéo dài thời gian làm việc. Tuyển lao động phổ thông, sau đó tổ chức đào tạo, hướng dẫn vận hành máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, cách làm này cũng chỉ có mang tính thời vụ, giải quyết tình thế để phục vụ nhu cầu sản xuất. Họ phải chấp nhận lao động chưa được đào tạo hoàn chỉnh về chuyên môn, kỹ thuật, nên tác phong và kỷ luật công nghiệp kém, sự hợp tác làm việc với nhau chưa cao, chưa quen môi trường công nghiệp nên năng suất, hiệu quả thấp. Một số doanh nghiệp đưa công nhân đi đào tạo tại nước ngoài, sau đó đưa về để quản lý điều hành, thay thế chuyên gia nước ngoài, nhưng số này chiếm tỷ lệ không đáng kể.

 

Có một thực trạng là công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề cao hiện nay còn nhiều yếu kém, bất cập. Đáng chú ý là việc kết nối giữa đào tạo với sử dụng lao động ở các doanh nghiệp còn hạn chế, chất lượng và cơ cấu nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của các doanh nghiệp. Một nghịch lý đang diễn ra, đó là mặc dù các khu chế xuất, khu công nghiệp luôn thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn không muốn tuyển lao động đã qua đào tạo, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao. Riêng quý I năm 2016, cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp, trong khi đó nhiều khu công nghiệp - khu chế xuất chỉ có khoảng 20% lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật.

 

Để tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao ổn định, cần phải có kế hoạch chuẩn bị giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, trong đó chương trình đào tạo phải sát hợp với từng ngành nghề có tính chuyên môn cao, đặc biệt là có hàm lượng chất xám cao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần chú trọng đào tạo lực lượng lao động sơ cấp nghề và đội ngũ lao động quản lý nhằm cải thiện năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh và phù hợp với nhà tuyển dụng, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế hội nhập.

 

Song bản thân người lao động nên chủ động hơn nữa cho tương lai của mình. Sinh viên, học sinh xác định được khả năng của mình và nhu cầu của xã hội. Công nhân khi đã có việc làm thì tranh thủ học tập, sáng tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp, nhanh chóng thích nghi với hướng phát triển kinh tế của đất nước.

 

Còn về phía Nhà nước, cần có các chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề. Các doanh nghiệp tạo điều kiện về thời gian, tài chính hỗ trợ công nhân tiếp tục học tập, nâng cao tay nghề, học tập chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, vi tính… tự hoàn thiện đội ngũ lao động của mình.

 

HOÀNG HƯƠNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ