A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chỉ bán thứ mình ăn được...

 

Nước ta có đầy đủ khả năng sản xuất các loại nông sản sạch. Song với nhiều người tiêu dùng, để có nông sản sạch cho nhu cầu hằng ngày lại là điều “xa xỉ”. Các vấn nạn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng trở nên phổ biến, khiến họ luôn trong tâm trạng hoang mang, mất niềm tin.

 

 

Chỉ bán thứ mình ăn được sẽ có thị trường nông sản sạch.

 

Thị trường nông sản trong nước vẫn loay hoay giải bài toán vệ sinh an toàn thực phẩm thì thế giới đã hướng đến xu hướng “sản xuất văn minh”. Điều này có nghĩa là sản xuất và chăn nuôi không chỉ dừng ở chất lượng sản phẩm (an toàn, dinh dưỡng), mà quá trình sản xuất phải đảm bảo tính bền vững về môi trường, thêm vào đó là quyền trạng thái tốt của vật nuôi. Ở nước ta đã có các công ty sản xuất và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe như thế để xuất khẩu sản phẩm. Thế nhưng thị trường trong nước, không phải tất cả các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm.

 

Theo ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, điều khó khăn để có một nền sản xuất nông sản sạnh là phần lớn các mô hình sản xuất nhỏ lẻ, chưa liên kết với nhau theo hình thức hợp tác. Thêm vào đó, quan hệ giữa người sản xuất với người tiêu dùng là ngắn hạn. Thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn phải qua rất nhiều khâu, dẫn đến rất khó kiểm soát. Theo quy định mới của pháp luật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, để ra được một sản phẩm nông sản sạch lại do nhiều bộ “kiểm soát”. Bộ nào cũng muốn quản lý rộng khắp nhưng chỉ chịu trách nhiệm ở mức độ nhỏ. Bởi vậy nên hàng loạt các loại giấy phép con ra đời, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Các điều tra cho thấy người sản xuất sẵn sàng vất vả hơn, chịu chi phí cao hơn nếu bán sản phẩm với giá chấp nhận được. Còn người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn để có sản phẩm an toàn, vì đề cao an toàn thực phẩm. Tuy nhiên hai đối tượng đó không gặp nhau do thị trường nước ta chưa hoàn chỉnh, có chỗ bị méo mó, có chỗ chưa phát triển đầy đủ. Nếu kết nối được cung với cầu thì chúng ta có thực phẩm sạch. Cần sự tin tưởng nhau thông qua cộng đồng hoặc áp dụng thể chế tạo mối quan hệ gắn bó, liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với nông dân, chính người nông dân liên kết với nhau phân phối sản phẩm của mình ra thị trường.

 

Minh bạch thông tin trên thị trường cũng là biện pháp giúp người tiêu dùng tin tưởng vào nông sản trong nước. Hiện nay nước ta chưa có cơ sở cung cấp chứng chỉ cho các sản phẩm hữu cơ sạch hay việc một số người sản xuất “mua” chứng chỉ Vietgap gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính. Lựa chọn của người tiêu dùng là khác nhau và có nhiều tiêu chuẩn đưa ra để người tiêu dùng lựa chọn phù hợp với túi tiền của họ. Nhưng làm thế nào để người tiêu dùng biết rằng thực phẩm của nhà sản xuất là an toàn, có lợi cho sức khỏe thì nhà sản xuất phải truyền thông đầy đủ, có các chứng chỉ về vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Có đầy đủ các hệ thống như vậy thì thị trường rất dễ kiểm soát.

 

Để “nông sản sạch” có chỗ đứng, lấy được lòng tin trên thị trường, theo các chuyên gia, người kinh doanh hãy chỉ bán thứ mình ăn được, không đổ lỗi do sự thờ ơ từ phía người tiêu dùng hay “lúng túng” của các cấp quản lý. Đường ra cho nông sản sạch phải từ minh bạch thông tin, yếu tố trách nhiệm của từng tác nhân, phải làm bằng cái tâm của mình. Họ phải đảm bảo các sản phẩm qua công đoạn của mình an toàn, chính bằng hệ thống quản lý chất lượng nội bộ. Nếu doanh nghiệp đăng ký sản xuất và gắn được tên tuổi mình với thương hiệu, sẽ tăng được tính minh bạch và trách nhiệm của nhiều người.

 

HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ