A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp người đạt giải Nhất cuộc thi viết về những tấm gương phụ nữ Việt Nam

 

Tôi còn nhớ trong một lần trò chuyện về các tác phẩm văn học nổi tiếng trong và ngoài nước, Trung tá QNCN, Thạc  sỹ Lương Hoa Phương, nhân viên thư viện, Nhà Văn hóa, Cục Chính trị có gợi ý cho tôi về “Nhật ký Anne frank”. Theo gợi ý của chị, tôi đã tìm đọc cuốn sách và cảm nhận của tôi cho đến khi đọc xong chữ cuối cùng của tác phẩm đó chính là: Ấn tượng và thật tuyệt! Có lẽ cũng bởi ham đọc-một sở thích rất cần thiết với nghiệp vụ của chị, cộng với sự cảm thụ văn học sâu sắc đã tạo tiền đề để chị giành giải Nhất toàn quốc cuộc thi viết về tấm gương phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” năm 2013 với tác phẩm “Câu chuyện về một người đặc biệt”. Dưới đây là cuộc trò chuyện của tôi với chị.

 

 

Phóng viên: Thưa chị, chị đã đến với cuộc thi viết về những tấm gương phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” được tổ chức rộng rãi trong toàn quốc như thế nào?

Trung tá QNCN, Thạc  sỹ  Lương Hoa Phương:  Câu chuyện được bắt nguồn trong một dịp may hiếm có cho tôi. Năm 2006 khi tôi có ý định làm luận văn thạc sỹ với đề tài: “Xây dựng mô hình thư viện dành cho người khiếm thị tại Việt Nam” , cô giáo hướng dẫn của tôi là Tiến sỹ Nguyễn Thị Việt Bắc, công tác tại Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thông tin có mời tôi tham gia Hội thảo “Dịch vụ thông tin thư viện dành cho người khiếm thị” trong Hội thảo đó tôi được gặp em Đỗ Thúy Hà nhân vật trong tác phẩm đạt giải của tôi sau này.

Trung tá QNCN, Thạc  sỹ Lương Hoa Phương nhận Giải Nhất Cuộc thi viết những tấm gương phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

 

Phóng viên: Đúng là cái duyên của nghề, chị đã được gặp em Hà trong tình huống đó. Tôi chắc rằng phải có một sự cảm nhận gì khác biệt để có thể lôi kéo chị ở lại sau Hội thảo và viết bài về em ấy?

Trung tá QNCN, Thạc  sỹ   Lương Hoa Phương: Đúng vậy mọi người ra về hết mình tôi ở lại tìm gặp em Hà với lòng đầy cảm phục. Một người phụ nữ hỏng cả hai mắt mà sử dụng máy tính cho những người sáng mắt chúng tôi xem thật đáng ngạc nhiên phải không? Và khi ở lại sau hội thảo tôi còn phát hiện ra nhiều tài năng, nghị lực vươn lên của em Hà  làm cho tôi thực sự khâm phục và ngưỡng mộ như trong bài dự thi tôi đã viết.

 

Phóng viên: Chị có kể: khi chị quen em Hà thì em chưa có gia đình đến khi viết bài thì em đã có gia đình, đó cũng là một thuận lợi để chị đưa em Hà đến với cuộc thi?

Trung tá QNCN, Thạc  sỹ   Lương Hoa Phương: Ngay sau khi gặp em Hà, tôi đã có dự định ấp ủ sẽ viết một bài thật tâm huyết để diễn tả được cảm xúc của mình đối với một nhân vật “đặc biệt” mà mình đã được gặp nhưng vẫn day dứt mãi vì chưa làm được điều đó. Đến tận 4 năm sau khi có cuộc thi viết về những tấm gương phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” tôi thấy em Hà một người tài năng hội đủ 4 đức tính tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam do vậy tôi đã giới thiệu em với cuộc thi viết đầy ý nghĩa này.

 

Phóng viên: Đúng là một cuộc thi đầy ý nghĩa, cuộc thi nhằm phát hiện và tôn vinh những tấm gương phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” tác giả được nhận giải thưởng, còn nhân vật được nhận bằng khen của Ban tổ chức.

Trung tá QNCN, Thạc  sỹ   Lương Hoa Phương: Cả hai chúng tôi đều được Ban tổ chức ghi nhận. Và lễ trao giải thưởng được trao cùng với lễ trao giải Kovalevskaya một giải thưởng danh giá của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao tặng cho 1 tập thể và 1 cá nhân xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Tôi thực sự  may mắn được gặp em Hà để có được thành công như thế. Từ cuộc sống em Hà đã viết lên thành tích của mình, tôi chỉ là người đưa em đến cuộc thi và được Ban tổ chức ghi nhận.

 

Phóng viên: Với một “chất liệu đặc biệt” như vậy, khi viết xong chị có cảm thấy hài lòng với bài viết của mình, chị thấy tâm đắc đoạn nào nhất?

 Trung tá QNCN, Thạc  sỹ   Lương Hoa Phương: Thực sự là một thách thức đối với tôi khi viết về một nhân vật đặc biệt và tài năng. Trong khuôn khổ của một cuộc thi mình không thể viết tự do theo lối cảm nhận của riêng mình tôi vẫn phải kể những câu chuyện thành tích của em. Tôi phải viết làm sao để thuyết phục Ban Giám khảo, Ban tổ chức. Trước tiên là phải đúng tiêu chí của cuộc thi lại phải truyền những xúc cảm của mình cho người đọc. Bài viết về chân dung nhưng tôi viết theo hướng những khát vọng của một con người dám nghĩ, dám làm, dám hi vọng ở tương lai và người phụ nữ đó đã thành công trong mọi lĩnh vực, cả gia đình lẫn trong sự nghiệp. Tôi hài lòng với nội dung và hình thức rất đẹp của bài dự thi.

 

Còn về tâm đắc đoạn nào trong bài thì tôi xin kể một câu chuyện nhỏ mà tôi được nghe lại từ Ban tổ chức. Trong ban giám khảo có nhà báo Kim Cúc nguyên là Phó Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam một người thầy trong làng báo. Cô Kim Cúc thích một đoạn trong bài viết của tôi  đã đọc đi đọc lại nhiều lần và thuộc luôn đoạn viết đó. Và đoạn viết đó cũng là một trong những đoạn mà tôi thấy tâm đắc.

 

Phóng viên: Chị có thể giới thiệu cho bạn đọc biết về đoạn viết đó?

Trung tá QNCN, Thạc  sỹ   Lương Hoa Phương: Đó là một đoạn viết về cảm nhận của tôi khi tôi đặt mình vào em Hà và tôi đã tưởng tượng như thế này. “Hà Nội đã vào thu trong chúng ta ai ai cũng cảm nhận được mùa thu qua sắc vàng của cúc, qua nắng hanh vàng về trên phố. Với em mùa thu là thoang thoảng hoa sữa, là cái se se lạnh của gió heo may.”

 

Phóng viên: Chị có thể nói thêm về những câu chuyện sau cuộc thi? Và những ảnh hưởng tích cực từ nó?

Trung tá QNCN, Thạc  sỹ   Lương Hoa Phương: Sau khi bài của tôi được giải thưởng, có rất nhiều người đã đọc và gọi điện cho tôi rất xúc động, họ đã khóc. Nhiều người đã đưa báo về để giáo dục con em của họ. Một người bạn của tôi xin bài dự thi để đem về đọc cho trường của con. Rất nhiều người quan tâm đến nhân vật Đỗ Thúy Hà trong câu chuyện của tôi. Tôi và em Hà được Hội phụ nữ thành phố Hà Nội mời giao lưu với chị em phụ nữ Hà Nội trong năm đó. Thành tích dự thi của tôi đã được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ghi nhận, tôi được nâng lương trước thời hạn một năm.

 

Đặc biệt ngay sau đó 4 ngày, đúng ngày 8/3/2013 trong chương trình “Chào buổi sáng” của VTV1 chuyên mục “Gõ cửa ngày mới” nhân vật của ngày hôm đó chính là em Đỗ Thúy Hà người phụ nữ tiêu biểu cho những phẩm chất của phụ nữ Việt Nam hiện đại với 4 đức tính: “ Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Bản thân tôi cũng là nhân vật của chương trình này được phát sóng vào ngày 21/3/2013, một lần nữa tôi có dịp truyền thông tới khán giả về cuộc thi và nhân vật của mình.

 

Cũng thời gian sau đó nhiều cơ quan báo đài đã làm phóng sự về em Đỗ Thúy Hà, VTV4 đã phát một phóng sự dài hơn 10 phút về em Hà ra các nước bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Tháng 10-2013, em Hà được bầu là 1 trong 10 phụ nữ tiêu biểu của Thủ đô. Năm 2014  là 1 trong 21 thanh niên tiêu biểu và nhận học bổng 30 triệu. Em thực sự xứng đáng với nhân vật được tôn vinh trong tác phẩm đạt giải nhất toàn quốc viết về những tấm gương phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Con đường đang còn dài phía trước tôi tin người phụ nữ “đặc biệt” này còn dành được nhiều thành công nữa, đó cũng là niềm tự hào của riêng tôi, của gia đình em và của tất cả những người phụ nữ Việt Nam chúng ta. Là niềm cổ vũ động viên chúng tôi trên con đường học tập và công tác.

Phóng viên: Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này. Chúc chị sức khỏe, thành công và hạnh phúc!

 

Trần Hiền

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ