A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng tuổi nghỉ hưu?

 

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đang tăng cao, đây là tín hiệu đáng mừng, song phần nào lại dấy lên lo ngại với các cấp quản lý. Bởi tuổi thọ cao trong khi tuổi nghỉ hưu vẫn như hiện nay sẽ dẫn đến thời gian chi trả lương hưu dài, ảnh hưởng đến cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội. Vì vậy, việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012. Vấn đề này được đề xuất nhiều lần, đặc biệt là năm 2014, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đã tính đến việc tăng tuổi hưu nữ lên 58 tuổi, nam lên 62 tuổi, song không được Quốc hội thông qua. Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại tiếp tục đề xuất vấn đề này.

 

 

Quỹ Bảo hiểm xã hội có nguy cơ vỡ nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

 

Với nước ta, trong quá trình già hóa và dân số vàng đan xen, nên tận dụng được nguồn nhân lực - bảo đảm được việc làm - bảo đảm Quỹ bảo hiểm xã hội là ba trục song song với nhau. Khi trình dự án sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Quốc hội cho rằng tuổi hưu nên được quy định trong Bộ luật Lao động. Do vậy, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này sẽ được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cập nhật, xem xét để hoàn thiện các phương án. Có một số nội dung đáng chú ý là: Việc tăng tuổi hưu phải đi đôi với các biện pháp bảo đảm việc làm cho người lao động để họ đủ điều kiện hưởng lương hưu. Vì vậy, sẽ phân loại để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo từng ngành nghề, đặc thù công việc. Những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực, kinh nghiệm... có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, còn những người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. Thực hiện bình đẳng giới cần điều chỉnh hướng đến việc nam giới và phụ nữ về hưu bằng nhau nhưng cần có lộ trình thực hiện. Không thể tăng đột ngột, làm ảnh hưởng đến thị trường lao động, nhất là áp lực phải tạo việc làm mới cho khoảng 1 triệu lao động mới mỗi năm. Đây là quá trình cần phải tính toán, kết hợp giữa khoa học và thực tiễn để trình Quốc hội cân nhắc, quyết định.

 

Điều quan trọng là cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội, bởi kinh nghiệm nhiều nước cho thấy áp lực chính là quá trình đóng bảo hiểm. Khi tuổi thọ tăng, thời gian hưởng dài ra, nếu không tăng mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ phải kéo dài thời gian đóng lên, thời gian hưởng lương hưu sẽ ít đi. Đây là biện pháp cân đối Quỹ hiệu quả bởi bản thân người lao động đóng bao nhiêu sẽ được hưởng bấy nhiêu, không ai phải bù cho ai; đồng thời có sự chia sẻ của thế hệ trước và thế hệ sau - người đang làm việc và người nghỉ hưu. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu bởi để bình ổn quỹ hưu trí, còn có nhiều giải pháp như xem xét mức đóng và hưởng, nếu chưa hài hoà thì có thể tăng thêm mức đóng, hoặc thành lập một ngân hàng đặc thù. Tổ chức chặt chẽ việc đầu tư, điều hành, quản lý để bảo đảm yếu tố tăng trưởng cũng như tính an toàn tuyệt đối của nguồn tài chính thuộc lĩnh vực an sinh xã hội. Có ý kiến lo ngại về việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm bảo đảm tính dài hạn của Quỹ bảo hiểm xã hội cũng có thể dẫn đến nhiều người "tham quyền cố vị", chiếm hết cơ hội dành cho lớp trẻ.

 

Để giải quyết vấn đề này, cần phát triển mở rộng thị trường để người lao động có nhiều cơ hội việc làm hơn. Mặt khác, cần xây dựng quá trình nâng tuổi hưu từ từ, giải quyết đầu vào của việc làm. Có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp thu hẹp, cơ cấu lại sản xuất, sa thải người lao động, hoặc ngược lại, chỉ sử dụng lao động trong thời gian họ có sức khỏe tốt sau đó thay thế. Bởi vậy, các quy định của luật pháp phải tính toán để tránh gây thiệt hại cho người lao động, ảnh hưởng đến thị trường lao động.

Nếu làm được như vậy thì việc tăng tuổi hưu là khả thi, có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế và người lao động.

 

HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ