A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch-Một ngành kinh tế

 

Coi du lịch là một ngành kinh tế là quan điểm của Đảng, Nhà nước ta từ rất lâu rồi. Đó cũng là một xu hướng mang tính quy luật của cơ cấu kinh tế thế giới: Tỷ trọng nông nghiệp từ chiếm vị thế quan trọng dần nhường cho công nghiệp và cuối cùng là kinh tế dịch vụ sẽ chiếm vai trò thống soái. Du lịch được ghi nhận như một sở thích, hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người. Nó đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa, xã hội ở các nước. Nhu cầu của du khách tiêu dùng các hàng hoá thông thường và nâng cao kiến thức, học hỏi, vãn cảnh, chữa bệnh, nghỉ ngơi, thư giãn…

 

 

Ngành du lịch Hà Nội có mức tăng trưởng khá.

 

Trên bình diện chung, hoạt động du lịch làm biến đổi cán cân thu chi của đất nước. Du khách quốc tế mang ngoại tệ vào làm tăng nguồn thu ngoại tệ của đất nước đó. Trong phạm vi một quốc gia, hoạt động du lịch điều hoà nguồn vốn từ vùng kinh tế phát triển sang vùng kém phát triển hơn, kích thích tăng trưởng kinh tế ở các vùng sâu, vùng xa… Một lợi ích thiết thực là góp phần giải quyết vấn đề việc làm. Các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch cần lượng lớn lao động và du lịch tạo ra nguồn thu nhập cho người lao động, giải quyết các vấn đề xã hội.

 

Ở nước ta, tốc độ tăng trưởng du lịch đạt hơn 14%/năm, gần gấp hai lần tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, đem lại hàng ngàn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Du lịch cũng dễ tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác cùng phát triển, thực sự có khả năng đổi bộ mặt kinh tế. Nhưng sự phát triển đó vẫn còn thấp so với tiềm năng sẵn có, chưa được như mong muốn.

 

Nguyên nhân chính là tư duy, cách thức hoạch định chính sách phát triển du lịch nước ta còn lạc hậu. Quản lý mang nặng tính bao cấp, chưa theo kịp với mức độ tự do hóa thị trường, phân cấp, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững. Các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường chưa được tôn trọng và khai thác hiệu quả. Tình trạng địa phương nào cũng muốn phát triển du lịch, nơi nào cũng là điểm đến, thì du lịch không thể phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn được. Tình trạng khách "chỉ đến lần đầu rồi thôi" khá phổ biến, do vệ sinh môi trường, việc tái đầu tư duy tu, bảo dưỡng sản phẩm du lịch, duy trì và đảm bảo sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch chưa được chú trọng; hệ thống bảo tàng trong nước quá kém, chỉ dẫn bằng tiếng Anh không chính xác, khó hiểu.

 

Bởi vậy, muốn du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phải tập trung đổi mới từ cơ chế chính sách, trách nhiệm của địa phương trong giải quyết vệ sinh môi trường, gắn với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh. Các thủ tục visa thuận lợi, thông thoáng hơn, tiến tới cấp visa điện tử. Thế mạnh phải tận dụng, phát huy là Việt Nam - điểm đến an ninh, an toàn, chính trị-xã hội ổn định, nằm trong khu vực kinh tế năng động, đang hội nhập sâu sắc với nền kinh tế thế giới. Xác định rõ du lịch vừa tạo cung, vừa tạo cầu cho phát triển các ngành khác, những đóng góp, lan tỏa cho các ngành, nhất là giao thông vận tải, thương mại, nông nghiệp, làng nghề, tài chính…

 

Một việc quan trọng khác là nâng cao nhận thức và đổi mới về tư duy phát triển du lịch, thống nhất định nghĩa về ngành du lịch, từ đó có nguyên tắc hành xử phù hợp. Phải ứng xử như một ngành kinh tế, tuân theo các nguyên tắc kinh tế thị trường, có thể chế, cơ chế chính sách phù hợp để phát triển. Cần rà soát bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch du lịch, xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành du lịch đến 2020, tầm nhìn 2030 trên 3 trọng điểm: hạ tầng; đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch, phát triển sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và xây dựng môi trường văn hóa du lịch. Đồng thời, tập trung hoàn thiện các thể chế chính sách huy động tối đa nguồn lực của xã hội theo định hướng tái cơ cấu phát triển du lịch, trong đó có thuế, phí, giá. Chuyển dần từ cơ chế phí sang cơ chế giá, có lộ trình giá dịch vụ tương thích với đổi mới cơ chế tài chính, biên chế, bộ máy của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực này…

 

Cũng cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, sử dụng nguồn lực của toàn xã hội; các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp du lịch; tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra…

 

HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ