A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức sống của một tác phẩm

 

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, vở chèo “Chị Tâm bến Cốc” của Nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt đã tạo không khí cho sân khấu chèo của Đoàn chèo Cổ Phong, Sơn Tây luôn sôi động. Theo các nghệ sĩ chèo của Đoàn, không đêm nào sân khấu chèo của Đoàn là không sáng đèn. Nhân dân đi xem chèo rất đông, chật kín cả sân đình.

 

 

Bà Đặng Thị Xuân-Nguyên mẫu nhân vật trong vở chèo “Chị Tâm bến Cốc” và chồng.

 

Đây là một hiện tượng trên sân khấu chèo miền Bắc hồi đó. Những vở chèo mới với nội dung và nhân vật ngoài đời gần gũi với nhân dân như ông nông dân, chị du kích, anh bộ đội… đã bước lên sân khấu với những số phận, cuộc đời riêng được thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật chèo đầy quyến rũ, đã tạo nên sức lôi cuốn mới mẻ, hấp dẫn đến kỳ lạ. Vở chèo “Chị Tâm bến Cốc” là một tác phẩm sân khấu có sức thu hút như vậy.

 

Năm 1957, tại Hội nghị tuyên dương các chiến sĩ du kích, dân quân tiêu biểu của Quân khu Hữu Ngạn, bà Đặng Thị Xuân ở xã Vân Cốc, huyện Phúc Thọ (Sơn Tây) được suy tôn chiến sĩ tiêu biểu, xuất sắc. Một nữ du kích hoạt động giữa vùng địch hậu vừa công khai, vừa bí mật, đưa đón cán bộ, bộ đội, 6 lần bị địch bắt, 5 lần bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn nhưng quyết một lòng trung thành với Đảng. Địch thả về lại tiếp tục hoạt động gây dựng phong trào du kích, phối hợp cùng bộ đội đánh địch, chống càn và lập công lớn… Câu chuyện của bà Đặng Thị Xuân đầy ắp những sự kiện, giàu kịch tính và đặc biệt là rất tươi mới, có sức lan tỏa lớn lao, đã thuyết phục và tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho nhà văn, nhà soạn kịch Tào Mạt. Ông đã về Vân Cốc tìm hiểu, thu thập tài liệu và tác phẩm đầu tay “Chị Tâm bến Cốc” ra đời.

 

Chúng tôi đã tìm gặp nghệ sĩ chèo Văn Vẻ ở Thạch Thất, Hà Nội. Vào những năm 1960, ông là diễn viên Đoàn chèo Cổ Phong, Sơn Tây. Khi ấy, vở chèo “Chị Tâm bến Cốc” đang là một nội dung “nóng” trong chương trình biểu diễn của Đoàn. Trong vở chèo này, ông được phân công đóng vai người chồng chị Tâm-một ngụy binh. Người chồng là cháu gọi Chánh tổng (Nghệ sĩ Hồng Lô đóng) là cậu. Chánh tổng nghi chị Tâm là cộng sản, sai cháu theo dõi, bắt nộp quan Tây để được thăng chức. Mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm giữa một bên là tình cốt nhục (quan hệ cậu cháu) với một bên là tình nghĩa vợ chồng; giữa giàu sang phú quý và đánh đập, tù đày; giữa cách mạng và phản cách mạng. Câu chuyện được dẫn dắt bởi lối kể chuyện nền nã vừa diễn vừa hát của chèo, nhưng kịch tính thì dồn nén khiến người xem bị cuốn theo hết lớp này đến lớp khác... cho đến cả lúc hạ màn.

 

Tuy nhiên, cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Đặng Thị Xuân, nguyên mẫu trong vở chèo “Chị Tâm bến Cốc” lại không có số phận như thế. Bà không phải đối mặt với những mâu thuẫn gia đình, chồng vợ, mà bà đã phải đối mặt với những hiểm nguy trong quá trình hoạt động du kích và chiến đấu chống giặc càn quét. Vào những năm 1950- 1953, địch coi Vân Cốc là một trọng điểm bình định. Chúng đã chà đi, sát lại, lập bốt, dựng tề uy hiếp phong trào cách mạng ở địa phương. Nữ du kích Đặng Thị Xuân được Đảng giao nhiệm vụ đưa đón cán bộ vượt sông về Vân Cốc hoạt động bí mật.  Đã có nhiều câu chuyện xung quanh những ngày hoạt động cách mạng của bà Đặng Thị Xuân khi công khai, lúc bí mật. Có lần, bà đã phải giấu mình trong nghĩa trang suốt 8 ngày đêm để đón bằng được cán bộ về Vân Cốc, trong khi địch không ngừng lùng sục, truy sát khắp mọi nơi từ bờ đê, ao làng, đồng ruộng.

 

Giữa  tháng  4/1954, quân Pháp đã điên cuồng  mở nhiều cuộc càn quét, triệt phá ra vùng du kích Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai... Ở Vân Cốc, chúng đã huy động nhiều đơn vị lính lê dương có xe tăng, máy bay yểm trợ liên tiếp mở các cuộc càn quét từ tháng 3 đến tháng 4/1954. Du kích Vân Cốc, tiêu biểu là đơn vị nữ du kích xóm Voi do bà Đặng Thị Xuân cùng em gái là Đặng Thị Giói chỉ huy, đã phối hợp với bộ đội địa phương chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Bà đã được thưởng nhiều Huân, Huy chương và Bằng khen về thành tích xây dựng lực lượng du kích, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống thực  dân Pháp.

 

Năm 1960, bà Đặng Thị Xuân vinh dự được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa II của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cho đến năm 2014, hơn 10 năm sau khi bà mất, bà đã được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân … Đây là những tình tiết không có trong kịch bản.

 

Và còn có một câu chuyện buồn của ông, bà Đặng Thị Xuân mà bây giờ mới kể. Theo ông Đặng Văn Mỹ, nguyên là cán bộ quân đội và là chồng của bà Đặng Thị Xuân thì đã có một thời, bà Xuân phải đối mặt với những nghi kỵ về lòng trung thành. Ông kể rằng, đó là thời kỳ rất khó khăn với ông. Là một cán bộ, đảng viên ông không thể yêu và cưới làm vợ một người đang có vấn đề về giai cấp. Ông rất tin và yêu bà, nhưng ông không thể. Ông đã rất đau khổ và hoang mang… nhưng may mắn thay, bà Xuân đã được xác minh và trả lại danh dự sau đó. Ông càng tin, yêu bà hơn và càng tin vào sự lựa chọn của chính mình.

 

Nhà soạn kịch Tào Mạt hồi đó đã xây dựng nhân vật nghệ thuật – Chị Tâm từ một nhân vật có thật của cuộc sống. Đây là một phương pháp sáng tác hiện thực XHCN được sử dụng để viết kịch bản chèo hiện đại. Chất liệu của cuộc sống, nhân vật, sự kiện còn nóng hổi tính thời sự đã được đưa lên sân khấu. Những nhân vật chèo không phải là những siêu anh hùng “cứu nhân, độ thế” vẫn thấy trong các tích chèo cổ, mà  họ là những người quen thuộc hàng ngày nhưng qua tài năng của người nghệ sĩ, họ đã trở thành những hình mẫu tiêu biểu, có những phẩm chất anh hùng và những hành động anh hùng. Đó là sức hấp dẫn của những con người mới, đối tượng sáng tác của văn học-nghệ thuật; là nguồn cảm hứng để các nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch, nghệ sĩ, nhạc sĩ… xây dựng nhân vật điển hình, có sức cổ vũ lớn lao cho phong trào thi đua yêu nước ngay từ khi vừa kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, khi  miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng CNXH.

 

Cho đến nay, vở chèo “Chị Tâm bến Cốc” của NSND Tào Mạt vẫn là một trong những tác phẩm kinh điển, có giá trị nghiên cứu và đào tạo, được nhiều đoàn nghệ thuật chèo dàn dựng. Sức sống của một tác phẩm đã được nuôi dưỡng như thế.

 

Hữu Long


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ