A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người chiến sĩ quay phim và tấm ảnh Bác Hồ

 

Trong ký ức người làm phim, mãi mãi thiêng liêng là những khoảnh khắc được tiếp cận và quay phim về Bác Hồ. Vinh dự ấy nhân lên gấp bội đối với nhà quay phim quân đội Phạm Thành, bởi từ những thước phim của ông đã xuất hiện tấm ảnh lãnh tụ hiền từ tươi cười trong bộ đồ ka ki giản dị, tay trái cầm quyển sổ và bao kính, tay phải giơ cao vẫy chào.

 

 

Nhà quay phim Phạm Thành hiện ở cụm 1, phường Bưởi (quận Tây Hồ) trong ngôi nhà giữa làng cổ bên Hồ Tây. Ông sinh năm 1932, quê ở Thanh Hà (Hải Dương). Năm 1951 xung phong vào bộ đội, nhờ biết chụp ảnh và đánh máy chữ mà được chọn làm nhân viên Phòng Tuyên huấn-Cục Chính trị. Quãng sau chiến thắng vang dội của ta tại Chiến dịch Biên giới, Hồng quân Liên Xô tặng Việt Nam 2 máy chiếu phim. Phạm Thành cùng hai đồng đội nhận máy và bắt đầu sự nghiệp chiếu bóng phục vụ bộ đội tại khắp các chiến trường, trong đó có Điện Biên Phủ.

 

Nhóm chiếu bóng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên khen thưởng, riêng ông được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Năm 1959, Xưởng phim Quân đội được thành lập. Đi học xong một lớp quay phim, Phạm Thành trở về đây, bắt đầu nghiệp quay phim thời sự, tài liệu. Ông được tin tưởng cử đi quay phim về các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các đại biểu quốc tế. Phạm Thành nhiều lần được ghi lại những hình ảnh dung dị, quá đỗi thân thương của Bác Hồ. Đó là những kỉ niệm mà bây giờ ở tuổi 84, ông còn tự hào nhắc đến.

 

Ông đưa cho chúng tôi xem tấm ảnh Bác Hồ in ra từ những thước phim ông quay dịp Bác Hồ tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản. Ông kể: “Cuối năm 1965, trời se lạnh, tôi nhận được lệnh sang phối hợp với đoàn quay phim của Đảng Cộng  sản Nhật Bản để ghi hình chương trình Bác tiếp đoàn. Tổ làm phim gồm 3 người: Biên tập Su-du-ki, quay phim Ta-ra-mô-tô và tôi, được Xưởng phim Quân đội biệt phái sang giúp bạn. Sau đó phía bạn cử thêm đồng chí Fudi- một nhà quay phim đứng tuổi, giàu kinh nghiệm sử dụng máy quay phim vào loại hiện đại nhất thời bấy giờ. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm phim về Bác Hồ cho Đảng  Cộng  sản  Nhật Bản, nói đúng hơn là để các đồng chí Đảng Cộng  sản Nhật Bản  thông qua một hãng truyền hình, truyền ra thế giới hình ảnh Bác Hồ, hình ảnh chiến đấu chống Mỹ của quân và dân ta.

 

Ai cũng náo nức mong chờ giờ phút được gặp Bác. Sáng sớm, chúng tôi tới phòng khách Phủ Chủ tịch. Đến giờ, Bác tiến vào với bộ quần áo ka ki bạc màu quen thuộc. Chúng tôi kính cẩn chào Bác. Bác giơ tay đáp lại và cho phép làm việc. Bác đang trả lời phỏng vấn thì máy quay phim phát ra tiếng gì đó nghe không êm. Tôi rất lo, không may có gì trục trặc thì thật là thiếu sót không bao giờ làm lại được.

 

Tôi nói nhỏ với phiên dịch hỏi quay phim Fudi “Tiếng máy không êm, liệu có gì trục trặc không?”. Không ngờ, nghe được câu trao đổi bằng tiếng Nhật, Bác nói: “Các chú cứ làm cho tốt, nếu cần Bác đọc lại cho mà quay”. Tất cả chúng tôi sững sờ, xúc động trước câu nói chứa đựng sự thấu hiểu, thông cảm và ân tình ấy của Bác. Nước mắt trào ra, Fudi nói: “Thưa Bác, tốt rồi ạ!”. Bác bảo: “Nếu tốt rồi thì sang phòng bên, Bác cháu ta uống nước”. Fudi bảo tôi rằng, hơn hai mươi năm làm phim, anh đã đi nhiều nước, ghi hình nhiều nguyên thủ, ở nhiều nơi chỉ làm việc như cái máy. Nghĩa là các vị cứ diễn thuyết, mình cứ quay, việc ai người nấy làm chứ không có sự giao lưu nào.

 

Lần này được gặp Bác Hồ, ngay từ phút đầu tiên anh xúc động, hồi hộp quá nên có lúc thao tác lúng túng. Tất cả tâm trí anh bị chi phối bởi cảm xúc gặp Bác Hồ, vị lãnh tụ kiệt xuất của một đất nước anh hùng mà rất đỗi thân quen, gần gũi. Đến khi được Bác nói sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho nhóm quay phim làm tròn nhiệm vụ, anh không khỏi rưng rưng.

 

 Giờ phút gần bên Bác ai cũng muốn kéo dài. Nhưng Bác còn bận. Bác nhanh nhẹn bước xuống bậc thềm sau Phủ Chủ tịch, chúng tôi đi theo như đàn con theo cha trong vườn cây xanh mát, cố ghi thêm hình ảnh của Người. Đến bên một bụi hoa hồng, Bác dừng lại, ngắt một bông  tặng cho Su-du-ki rồi tạm biệt. Đi về gần đến Nhà sàn, như đoán biết mọi người vẫn dõi theo, Bác quay lại mỉm cười đôn hậu và giơ tay vẫy chào. Khoảnh khắc ấy đến rất nhanh, may thay, ống kính của tôi vẫn đang hướng về Bác và máy vẫn chạy đều đều. Những thước phim về khoảnh khắc cuối cùng của cuộc gặp ấy, các đồng chí Nhật Bản đem về nước in tráng lại, cho một tấm ảnh rất đẹp về Bác.

 

Trong ngôi nhà ấm cúng, nằm sâu trong một ngõ của làng Bưởi, tấm ảnh Bác Hồ được gia đình ông Phạm Thành treo trang trọng ở gian giữa. Phạm Thành tâm sự: “Tấm hình Bác tôi cất giữ như một báu vật thiêng liêng. Vậy mà Bác đã đi xa 47 năm rồi. Riêng tôi nhìn tấm ảnh vẫn tưởng như đang được ở bên Người”.

 

 Minh Nguyễn

(Ghi theo lời kể của nhà quay phim quân đội Phạm Thành)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ