A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quất Tứ Liên vàng rực chờ Tết

 

Những ngày cuối năm, con đường dẫn vào làng quất cảnh Tứ Liên dường như đông đúc hơn, người và xe hối hả. Người làng Tứ Liên tất bật với bao thứ việc ngoài ruộng vườn mong có được những cây quất đẹp nhất kịp mang ra chợ Tết ngày Xuân.

 

 

Nghệ nhân Bùi Thế Mạnh với quất bon-sai.

 

Tứ Liên trước kia còn gọi là Tứ Tổng. Lịch sử có ghi lại từ thời nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn, đây là nơi sinh sống, canh tác của bốn làng: Nội Châu, Ngoại Châu, Vạn Ngọc, Ngọc Xuyên nên tên gọi Tứ Tổng và tên Tứ Liên từ đó mà ra. Dân làng Tứ Liên tự hào về truyền thống của làng, truyền thống ấy hun đúc tạo nên tính cách con người nơi đây dũng cảm, chịu thương, chịu khó, sáng tạo duy trì và phát triển nghề truyền thống. Tháng 2-1947, làng Tứ Tổng là nơi đưa Trung đoàn Thủ đô qua sông Hồng trong cuộc rút quân huyền thoại. Các cụ cao niên làng Tứ Liên cho biết: Không rõ nghề trồng quất cảnh bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết ở làng Tứ Liên có nhà đã bốn đời làm nghề này. Trước đây, người làng Tứ Liên làm tất cả các công đoạn từ cây giống cho tới khi đem ra chợ bán, giờ các nhà vườn đều mua giống ở Văn Giang, Hưng Yên. Làm cây giống là khâu mất nhiều công sức và thời gian, hơn nữa đất đai ở Tứ Liên cũng bị thu hẹp không đủ đất mà làm giống nữa. Tháng 3 Âm lịch là thời điểm tốt nhất trồng quất cảnh, cây làm giống phải là cây chiết cành từ cây lâu năm, quất trồng từ cây chiết cuối năm mới kịp cho quả. Trung bình một sào đất trồng được 150 cây, nhưng để có quất đẹp, người Tứ Liên chỉ trồng độ 100 gốc cho cây đón nắng, sinh trưởng tốt hơn. Người trồng quất Tứ Liên không ham số lượng mà tập trung chăm chút từng cây, làm hài lòng người chơi và không làm hỏng thương hiệu quất của làng.  Cũng giống như trồng các loài cây khác, nghề trồng quất cảnh phải trải qua các công đoạn vất vả như làm luống, vun gốc, bỏ rãnh, làm cỏ, bón phân, trừ sâu... Chăm quất cảnh quan trọng nhất là không để cây bị ngập nước, thối rễ, cây sẽ chết hoặc không lớn được.

 

Quất cảnh Tứ Liên cây nào cũng có dáng đẹp, nhiều lộc, quả chín, quả xanh, hoa trắng hay còn gọi là quất "tứ quý" đã sẵn sàng lên đường vui Xuân cùng với mọi nhà trong thành phố. Vườn quất đang độ chín vàng dưới sắc nắng hanh hao đón gió Xuân mang hơi ẩm từ sông Hồng thổi về làm trái căng mọng. Người Tứ Liên nhận định, năm nay thời tiết thuận lợi, cây quả phát triển đúng ý và không còn cảnh hàng trăm cây quất chết vì thối rễ, phải nhổ bỏ như năm ngoái. Bà Ngô Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tứ Liên cho biết: Hiện nay, diện tích đất trồng quất của phường khoảng 15 ha. Trong đó có hàng trăm hộ gia đình là cựu chiến binh, cựu quân nhân đang đi lên từ cây quất.

 

Nhiều người dân trồng quất vài năm trở lại đây đã bắt đầu tạo thế cầu kỳ phục vụ đa dạng nhu cầu người dân chơi Tết. Khác với quất truyền thống, quất cảnh bon-sai không trồng trực tiếp xuống đất mà trồng trong các chậu gốm, lục bình. Cây quất không quá to, cao từ 25-30cm, có đủ hoa, quả, lộc, lá với nhiều thế được tỉa đẹp mắt. Vườn quất bon-sai của Cựu chiến binh Bùi Thế Mạnh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, người được thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu nghệ nhân quất cảnh từ năm 2014, Tết này có trên 500 gốc với những thế khác nhau như “Long phượng vần vũ”, “Thác đổ đón Xuân”, “Vươn ra biển lớn”, “Ấm no hạnh phúc, rước lộc vào nhà”… Đặc biệt, để phù hợp với chủ đề Tết Đinh Dậu 2017, ông Mạnh đã khéo léo tạo ra thế “Hoa quả sơn” bằng cách đặt thêm hòn non bộ vào chậu cảnh cho phù hợp với năm con gà. “Từ xa xưa cây quất cảnh được trang trí trưng bày trang trọng nhất trong mỗi gia đình khi Lễ Tết cổ truyền của dân tộc ta. Cây quất là cây đứng đầu trong 7 cây khai vận đầu xuân, cây quất đẹp mang nhiều linh khí, linh thiêng, tỏa năng lượng khơi thông luồng khí mới cho gia chủ cũng như các thành viên trong gia đình trong dịp đầu Xuân năm mới... Cây quất nghệ thuật đẹp dáng, lá xanh, lộc hoa, quả vàng, quả ương, quả xanh, quả non, hội tụ đủ tinh hoa của trời đất sẽ là món ăn tinh thần vô giá của gia chủ trong cả năm sẽ làm cho tư tưởng, tinh thần hưng phấn sảng khoái thì mọi công việc đều thành công, làm ăn thuận buồm xuôi gió” -Ông Mạnh bộc bạch.

 

 Mặc dù chỉ là những chậu quất khá nhỏ, nhưng giá không rẻ. Tại vườn nhà ông Mạnh, mỗi chậu quất bon-sai có giá dao động từ 2 đến 10 triệu đồng. Theo nhiều chủ vườn đào, vườn quất, nếu như mọi năm thời điểm này, 50% số cây đã được đặt mua, đặt thuê thì năm nay chỉ khoảng 20%. Người chơi cây cũng nắm bắt được tâm lý nhà vườn, đợi đến áp Tết mới đặt mua cây để được giá thấp nhất. Ngoài ra, không chỉ đối mặt với thời tiết, đào, quất cũng đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ những loại hoa, cây cảnh khác.

 

Minh Nguyệt


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ