A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

 

Hỡi đồng bào toàn quốc.

Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!........

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, dù phải gian lao kháng chiến, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!...”

Đó là Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được Bác viết tại làng Vạn Phúc, Hà Đông vào tháng 12 lịch sử cách đây tròn 70 năm-1946.

 

 

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc, Hà Đông còn lưu giữ nhiều kỷ vật khi Bác làm việc ở đây.

 

Lời hịch kháng chiến

Ngay từ cuối tháng 10-1946, các đồng chí Nguyễn Phúc Khánh, nguyên Bí thư Chi bộ Vạn Phúc, Lê Trung Hà, Bí thư huyện uỷ Chương Mỹ được tập trung về Ban công tác đội Trung ương do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, với nhiệm vụ chuẩn bị những địa điểm cho cơ quan Chính phủ về ở, làm việc để phòng thực dân Pháp phản bội lại Tạm ước Phong-ten-nô-bờ-lô, gây chiến tranh. Vạn Phúc là cơ sở cách mạng kiên cường trong An toàn khu thời kỳ 1939-1945, là địa điểm trọng yếu được Ban công tác đội chuẩn bị.

 

Tối ngày 3-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Vạn Phúc ở và làm việc. Chập tối hôm đó, chiếc ô tô màu đen đỗ cửa trụ sở Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Đông, vốn là dinh Công sứ thời Pháp thuộc, 5 người trên xe bước xuống lặng lẽ ra phía cổng sau, qua Cầu Am rẽ vào Vạn Phúc. Người đi giữa trang phục giống hệt những người đi cùng, đầu đội mũ cát, chân đi giầy vải, khoác áo dạ dài, có khăn mùi xoa che miệng, không để lộ chòm râu. Người đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng ban công tác đội đưa Bác về nhà ông Nguyễn Văn Dương, một tiểu thủ nghề dệt ở Vạn Phúc, giác ngộ cách mạng từ thời kỳ Mặt trận dân chủ. Gia đình ông Dương có 4 ngôi nhà gác cho Đội tuyên truyền xung phong về ở và làm việc một thời gian, ông Dương dành toàn bộ tầng 2 cho Đội tuyên truyền, Bác Hồ ở và làm việc tại ngôi nhà tầng hai này, có nhiều thuận lợi cho việc bảo vệ, giữ gìn bí mật, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình. Căn phòng rộng khoảng 15m2, vốn là buồng học và ngủ của con trai thứ ông chủ. Căn phòng ngoài rộng lớn dành cho các đồng chí Thư ký, bảo vệ, giúp việc.

 

Những ngày Bác Hồ ở và làm việc tại Vạn Phúc, căn nhà tầng 2 của ông Dương chính là “thủ phủ”, nơi Bác Hồ và Trung ương bàn định những công việc trọng đại của đất nước. Đồng chí Trường Chinh-Tổng Bí thư của Đảng cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng và Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp hàng ngày đến làm việc với Bác.

 

Chỉ có đôi ba lần Người ra Hà Nội gặp gỡ cán bộ, bộ đội, hoặc tiếp xúc với các nhà ngoại giao, các phóng viên thông tấn báo chí nước ngoài. Tại Vạn Phúc, bữa ăn đạm bạc của Người chỉ có rau, dưa, đĩa cá bống hoặc thịt kho nhưng Bác làm việc suốt ngày đêm. Những ngày Bác Hồ tại đây, Người đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Bác viết những tài liệu quan trọng như: Toàn dân kháng chiến (12-12), tài liệu này chỉ rõ những nội dung về Cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta, về chương trình kháng chiến, cơ quan chỉ đạo kháng chiến, những điều răn trong khi kháng chiến, khẩu hiệu tuyên truyền trong thời kỳ kháng chiến. Bác viết nhiều thư gửi Chính phủ các nước, gửi nhân dân Pháp, nhân sỹ toàn thế giới; thư gửi Xứ uỷ Nam Bộ ngày 16-12, thư gửi cán bộ, đồng bào và chiến sỹ cả nước.

 

Tháng 12-1946, quân Pháp khiêu khích khắp nơi. Ngày 17-12, chúng vô cớ tàn sát đồng bào phố hàng Bún. Ngày 18 và 19-12, ba lần chúng gửi tối hậu thư đòi chiếm giữ một số vị trí quan trọng trong thành phố Hà Nội, đòi ta giải tán các lực lượng tự vệ, đòi duy trì an ninh trong thành phố…

 

Trước tình hình đó, tại Vạn Phúc, Bác đã chủ tọa Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng. Hội nghị quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược…

 

18 giờ 45 phút ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Vạn Phúc về làng Xuyên Dương, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai ở và làm việc. Bác rời khỏi làng Vạn Phúc cũng là thời điểm Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ ở Hà Nội và một số thành phố khác.

 

Nhà lưu niệm Bác Hồ

Chị Cao Thị Hồng, cán bộ Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội cho biết: “Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1935 đến năm 1942, năm 1973, gia đình cụ Nguyễn Văn Dương đã hiến tặng ngôi nhà này để làm nơi lưu niệm về Chủ txxịch Hồ Chí Minh và giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng. Hiện nay di tích do Ban Quản lý di tích danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội trực tiếp quản lý.

 

Trước khi Bác về ở, giường được kê theo chiều dọc của ngôi nhà, để bàn học nơi cửa sổ nhìn thông xuống cầu thang. Bấy giờ theo ý Bác, các đồng chí kê lại theo chiều ngang nhà và khiêng chiếc bàn học cạnh giường để Bác tiện ngồi làm việc và ngả lưng luôn khi thấy mệt mỏi.

 

Những ngày ở và làm việc tại đây, các đồng chí thường vụ TW Đảng và phụ trách các ngành thường xuyên đến trao đổi công việc, xin chỉ thị của Bác và các đồng chí thường ngồi trên chiếc ghế kia (3 chiếc ghế kê gần cửa sổ). Khi có khách ghế được kê lại gần bàn làm việc của Bác, sau đó được kê lại chỗ cũ. Còn chiếc ghế để cạnh bàn làm việc của Bác là chỗ ngồi của đồng chí Vũ Kỳ-thư ký của Bác.

 

Các số báo Sự thật và Cứu quốc vẫn được chuyển đến để Bác đọc và cập nhật tình hình trong nước và quốc tế đều đặn. Mặc dù phải giữ bí mật không xuống sân tập thể dục được, Bác vẫn giữ nề nếp rèn luyện thân thể thường xuyên. Sáng sáng khi trở dậy, Người cầm đôi tạ tay làm động tác co tay và đi bộ nhiều lượt suốt chiều dài căn gác. Điều này làm cho chúng ta liên tưởng tới lời kêu gọi tập thể dục của Người vào năm 1945. Người nói: “Tự tôi ngày nào cũng tập”.

 

Với những giá trị lịch sử, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là một trong những bảo vật Quốc gia vào ngày 01/10/2012. Hiện nay bản gốc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Còn Di tích đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia theo Quyết định số 09/QĐ-BVHTT ngày 21/02/1975.

 

Trải qua hơn 40 năm hoạt động, Di tích đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách từ Trung ương đến địa phương, trong đó có các đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phan Văn Khải, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...các cụ lão thành cách mạng, học sinh, sinh viên tới thăm quan, học tập và nghiên cứu. Đặc biệt, Di tích đã được nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chọn làm nơi để phát động phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008-2013.

 

Hiền Mĩ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ