A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngôi sao Khuê văn hóa Việt Nam

 

QPTĐ-Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai, quê ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) rồi cùng cha là Nguyễn Phi Khanh làm quan dưới triều đại nhà Hồ. Năm 1406, cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nhà Hồ thất bại, cha của ông bị bắt đưa sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi cùng em trai là Nguyễn Phi Hùng đã theo cha đến tận cửa Nam Quan (nay là cửa khẩu Hữu Nghị quan) để phụng dưỡng. Tại đây, ông được cha khuyên nhủ: “Con là người có chí phải lo rửa nhục cho nước, báo thù cho cha như thế mới là đại hiếu, nọ phải theo cha khóc lóc như đàn bà…”. 

 

 

Nhà thờ dòng tộc Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín).


Nhờ câu nói đó, năm 1423, Nguyễn Trãi vào Lam Sơn (Thanh Hóa) dâng cho Lê Lợi “Bình Ngô Sách” và trở thành Quân sư của cuộc khởi nghĩa. Dưới sự chỉ huy của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) đã kết thúc thắng lợi, chấm dứt thời kì đô hộ kéo dài của giặc Minh và mở ra một chiều đại phát triển bậc nhất của phong kiến Việt Nam (Triều Lê sơ). Bên cạnh tài quân sự, Nguyễn Trãi còn được người đời ca tụng bởi những áng văn thơ được cho là kiệt tác như: Bình Ngô đại cáo, Quốc âm thi tập, Ức trai thi tập, Quân trung từ mệnh tập…


Tháng 7/1442, xảy ra vụ án Lệ Chi Viên đã lấy đi sinh mạng của Nguyễn Trãi và cả gia đình. Đây có lẽ là vụ án oan lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. 


Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông hạ chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng tước quan, con cháu của ông được tìm lại và bổ dụng vào các chức quan trong triều đình. Có thể nói, Nguyễn Trãi là Anh hùng dân tộc, là nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nước ta. Tâm hồn và sự nghiệp của ông mãi mãi là vì sao sáng như Lê Thánh Tông truy tặng "Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo" (Ức Trai lòng soi sáng như Sao Khuê). Năm 1980 nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, UNESCO đã công nhận ông là danh nhân văn hóa thế giới.


Hiện nay, cứ vào ngày 16/8 Âm lịch hàng năm, những người trong dòng tộc từ khắp mọi nơi lại tập trung đông đủ về nhà thờ dòng tộc Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín) để tưởng nhớ đến ông, một con người làm rạng danh cho không chỉ dòng tộc mà còn cả đất nước Việt Nam. Ông Nguyễn Thông, cháu đời thứ 18 cũng là người chăm lo hương khói cho biết: Cụ Nguyễn Trãi luôn là tấm gương để cho các thế hệ trong dòng tộc noi theo, từ đó nỗ lực phấn đấu, học tập để trở thành những người có ích cho xã hội, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp mà cụ Nguyễn Trãi đã để lại cho thế hệ sau.


Phạm Luân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ