A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Xuân về Xuân La xem nặn tò he

 

QPTĐ-Ta vẫn thấy đâu đó một thế giới cổ tích đầy ước mơ với những công chúa, hoàng tử, Đôrêmon, con rồng, hoa trái... được làm bằng bột. Đó là những sản phẩm độc đáo và vô cùng sáng tạo của nghề nặn Tò He..

.

 

Nặn tò he ở Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian.

 

 

Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam có thể ăn được. Ngày nay, nặn tò he là một nét văn hóa dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc bộ. Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá... Vì vậy, người ta gọi sản phẩm này là "đồ chơi chim cò". Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" thế nên có lẽ người ta gọi là "tò te", sau này nói trại thành "tò he". 

 

Nơi có truyền thống về tò he là làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Về Xuân La, chúng tôi được chứng kiến những cụ già tuổi đã ngoài 80, thanh niên và cả những em bé còn chưa đến tuổi vào lớp 1 say sưa nặn những bông hoa hồng đỏ thắm, những chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, những cô thôn nữ áo mớ bảy, mớ ba rực rỡ hay hình tượng anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, chàng Thạch Sanh dũng mãnh đánh thắng trăn tinh.

 

Theo các cụ cao niên ở Xuân La, nghề nặn tò he để làm đồ chơi cho trẻ thơ đã có ở Xuân La từ hơn 300 năm nay. Ban đầu, những lúc nông nhàn, người dân trong làng thường lấy gạo nếp hoặc gạo tẻ đem giã mịn, hấp chín rồi lấy nước rau ngót giã để tạo nên màu xanh, quả gấc tạo màu đỏ, nước củ nghệ tạo màu vàng, củ nghệ đen tạo màu tím... rồi đem nặn thành hình những con giống ngộ nghĩnh, xinh xắn. "Hữu xạ tự nhiên hương", lúc đầu chỉ người dân và trẻ thơ ở trong vùng biết và thích thú với những đồ chơi được nặn bằng bột. Dần dần trải qua năm tháng, người Xuân La đã đem nghề đi muôn nơi.

 

Những đồ chơi xinh xắn được nặn từ bột gạo có tên gọi chung là tò he đã trở thành thứ đồ chơi được yêu thích của bao thế hệ trẻ thơ từ Bắc vào Nam. Chính nhờ những nét độc đáo và tài tình trong cách tạo nên đồ chơi cho trẻ thơ mà người thợ Xuân La cùng những sản phẩm tò he đã không ít lần có mặt trong các chương trình giới thiệu, trao đổi văn hóa tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... và đã tạo được ấn tượng đẹp, sức hấp dẫn rất riêng với bạn bè quốc tế.


 Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo có trộn ít nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo, một phần nếp (sẽ cần phải cho thêm nhiều nếp để giữ được độ dẻo của sản phẩm nếu thời tiết nóng, hanh khô), trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt. Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh. Trước đây, người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột để tạo ra 4 màu: Đỏ, vàng, xanh và đen. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Bây giờ, người ta chuyển sang sử dụng màu thực phẩm công nghiệp vì tiện ích của nó. Bây giờ, các nghệ nhân không chỉ nặn tò he với hình thù đơn giản về các con vật, các loại trái cây mà còn nặn nhiều hình thù phong phú khác: 12 con giáp, nhiều nhất là các nhân vật mà trẻ con yêu thích như Aladin, Đôrêmon, Pokémon,Tề Thiên Đại Thánh, Trư Bát Giới, Na Tra…


Đã là người Xuân La, dường như ai cũng được trời phú cho đôi tay khéo léo và trí tưởng tượng cực kỳ phong phú để chỉ cần đưa ra yêu cầu và trong vòng 3-5 phút cũng có thể hoàn thiện ngay sản phẩm. Một số nghệ nhân cao tuổi nhưng đã có lớp thợ trẻ vẫn đang tiếp tục nối nghề. Họ liên tục được mời đến Bảo tàng Dân tộc học, các trường mẫu giáo, tiểu học để hướng dẫn thiếu niên, nhi đồng nặn tò he, giúp các cháu thêm hiểu, thêm yêu bản sắc văn hóa và lịch sử dân tộc qua những đồ chơi giàu tính nhân văn. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành, 38 tuổi, là chủ nhiệm câu lạc bộ làng nghề được xem là kỳ nhân của làng. Anh nặn được đa dạng sản phẩm theo yêu cầu và nổi tiếng về nặn chân dung nghệ thuật, bánh cổ Tòhe, 12 con giáp, các tích cổ nhân vật trong truyện, trong phim hoạt hình, nặn phong thuỷ… Anh thường xuyên phối hợp tham gia tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hoá, phục vụ lễ hội, hội chợ, triển lãm, tiệc vui, sinh nhật khách sạn, nhà hàng, nặn đặt hàng theo mẫu, dạy nặn tò he, đón tiếp các đoàn tham quan du lịch làng nghề... 


Tại ngôi làng này, mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã chọn làm địa điểm để tổ chức Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp phát huy giá trị nghề sản xuất đồ chơi truyền thống hướng tới kỷ niệm”. Trong tương lai không xa, Xuân La sẽ trở thành diểm du lịch làng nghề nằm trong chuỗi các điểm du lịch làng nghề nổi tiếng ở phía Nam Hà Nội như thêu Quất Động, đan cỏ tế Phú Túc, giày da Phú Yên… 

 

Minh Nguyễn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ