A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyến phố mang tên Nhà thơ-Nhà văn-Nhà viết kịch nổi tiếng Việt Nam

 

QPTĐ-Nhắc tới Tản Đà, có lẽ người dân đất Việt ở mọi thế hệ đều được nghe và nhắc tên ông bởi trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Chính Hoài Thanh từng dành cho ông lời khen tặng danh giá nhất, gọi ông là "con người của hai thế kỷ”. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực và để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Tại Hà Đông, Hà Nội đã có một con đường từ rất lâu đời mang tên ông như một lời nhắc nhở để thế hệ trẻ không chỉ nhớ tới một Nhà thơ-Nhà văn-Nhà viết kịch... tài năng, qua đó không ngừng học tập và rèn luyện, trở thành người có ích cho xã hội.

Một góc phố Tản Đà (quận Hà Đông).

Con đường mang tên Tản Đà

Đường Tản Đà thuộc địa phận phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội. Đường bắt đầu từ đường Tô Hiệu, phía sau trụ sở Cảnh sát biển, nối đến đường Lê Hồng Phong. Đây là tuyến đường không dài nhưng có “tuổi đời” tương đối lâu, khoảng 180m, rộng 5m. Nằm trong khu trung tâm, huyết mạch nối liền với các phố chính của quận nên luôn tập trung đông dân cư; nơi kinh doanh, buôn bán tấp nập của mọi người dân địa bàn. Sau Chợ Hà Đông, đây là tuyến đường tập trung đa dạng các mặt hàng thiết yếu của cuộc sống như thịt, cá, rau, hoa quả các loại... Điều đáng nói, các cửa hàng ở đây mở cửa từ sáng sớm đến tối muộn nên rất thuận tiện cho người dân mua sắm, cũng như kinh doanh phát triển kinh tế.

Nhà thơ Tản Đà

Trong tác phẩm “Thề non nước” của Tản Đà, chắc hẳn người dân Việt Nam vẫn còn nhớ câu thơ rất nổi tiếng: Nước non nặng một lời thề/Nước đi đi mãi không về cùng non/Nhớ lời nguyện nước thề non/Nước đi chưa lại non còn đứng không/Non cao những ngóng cùng trông/Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày/Xương mai một nắm hao gầy/Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương...

Tản Đà sinh năm 1889, mất năm 1939, tên thật Nguyễn Khắc Hiếu. Ông là nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Quê của ông là làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Tản Đà được ghép từ tên của núi Tản Viên và sông Đà. Ông từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Thơ của ông lãng mạn, đôi khi ý tưởng ngông nghênh, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là "gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại".

Không chỉ giỏi sáng tác thơ, Ông rất giỏi dịch thơ Đường thành thơ lục bát và được biết đến như một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất; giỏi viết kịch.

Gia đình ông thuộc dòng dõi quyền quý, có truyền thống khoa bảng, tổ tiên xưa có nhiều đời làm quan dưới triều Lê.

Từ 1915 đến 1926 là những năm tháng đắc ý nhất của Tản Đà. Năm 1915, cuốn sách đầu tiên của Tản Đà được xuất bản, gây tiếng vang lớn, đó là tập thơ "Khối tình con". Sau thành công, ông viết liền cuốn "Giấc mộng con" và một số vở tuồng: "Người cá", "Tây Thi", "Dương Quý Phi", "Thiên Thai"... 

Từ 1919-1921, Tản Đà viết một loạt sách; truyện như "Thần tiền", "Đàn bà Tàu" (1919); sách giáo khoa, luân lý thì có "Đài gương", "Lên sáu" (1919), "Lên tám" (1920), thơ thì có tập "Còn chơi" (1921). Thời kỳ này ông quen với một nhà tư sản nữa là ông Bùi Huy Tín, cùng nhau du lịch khắp Bắc, Trung kỳ và làm chủ bút "Hữu thanh tạp chí" một thời gian.
Năm 1922, Tản Đà thành lập "Tản Đà thư điếm" (sau đổi thành "Tản Đà thư cục"), đây là nhà xuất bản riêng đầu tiên của ông. Năm 38 tuổi (1926), Hữu Thanh tạp chí đình bản, Tản Đà cho ra đời "An Nam tạp chí" số đầu tiên với tòa soạn ở phố Hàng Lọng. Sự ra đời của "An Nam tạp chí", tờ báo mà Tản Đà dành hết tâm huyết, đã bắt đầu quãng đời lận đận của ông...

Thành công và nổi tiếng nhưng do ảnh hưởng của phong trào Thơ mới và phong trào theo Tân học, Tản Đà, con người thuộc phe cựu học, làm thơ cũ đã dần dần trở nên cô độc. Tên tuổi ông gần như bị đẩy lui vào dĩ vãng, nhường chỗ cho các nhà thơ mới: Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... 

Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ