A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thăng Long Tứ trấn-Văn hóa lịch sử độc đáo của Hà Nội

QPTĐ- Nhắc đến Thủ đô Hà Nội, ngoài 36 phố phường gắn liền với nét độc đáo “phố nào-hàng đó”, những địa danh lịch sử nổi tiếng-ghi dấu một thời chiến tranh, một thời hòa bình; hay những con phố, ngôi nhà với kiến trúc cổ kính, làm say lòng người thì ở đó còn có những nét văn hóa lịch sử rất độc đáo. Trong bài viết, tác giả muốn nhắc tới Thăng Long Tứ trấn-tên gọi chỉ 4 ngôi đền thiêng bậc nhất chốn kinh kì, thờ 4 vị thần trấn giữ 4 vị trí huyết mạch phía Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa. Bốn ngôi đền gồm: Bạch Mã (trấn phía Đông); Voi Phục (trấn phía Tây); Kim Liên (trấn phía Nam) và Quán Thánh (trấn phía Bắc). Ngày 18 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 93/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long Tứ trấn là di tích quốc gia đặc biệt.

Đền Voi Phục.

Đền Bạch Mã được xây dựng ở tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay là số 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đền thờ thần Long Đỗ-vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long xưa.

Tương truyền, khi Vua Lý Thái Tổ dời đô ra về Thăng Long vào năm Canh Tuất 1010, vua cho xây thành nhưng lần nào thành cũng bị lở. Vua liền sai người tới Đền cầu đảo, liền thấy một con ngựa trắng từ trong Đền đi ra, đi đến đâu để vết chân đến đấy, xong xuôi ngựa quay về Đền... Thấy vậy, vua liền cho xây thành đắp đê theo đúng dấu chân ấy và thành công, tên đền Bạch Mã (đền ngựa trắng) cũng có từ đó.

Đền được xây dựng từ thế kỉ thứ 9, mang vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm với nền tường vàng, cánh cửa là gỗ đỏ được chạm khắc rồng vàng. Điều đáng nói, toàn bộ kiến trúc bên trong Đền đều là khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn. Hiện nơi đây đang lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử gồm: 15 tấm bia văn ghi lại những điển tích, thần thoại xây dựng đền và nghi lễ cúng thần, các lần tôn tạo trong hơn 1000 năm qua; sắc phong, hương án, độc bình…

Đền Voi phục được xây dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) đời Lý Thánh Tông nằm ở góc phía Tây Nam thành Thăng Long cũ, thuộc tổng nội, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Đền nằm trên gò long thủ (đầu rồng) quay hướng Nam, ngả chút ít sang Đông, đó là các hướng được xem là  nguồn sinh lực vũ trụ vô biên, của thánh thần và đế vương. Hiện Đền thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, thờ Linh Lang Đại vương (thần Linh Lang). Do vậy, ngoài cái tên đền Voi Phục, đền còn có tên gọi khác là đền Linh Lang.

Nét độc đáo của Đền chính kết cấu chữ “công”, có tiền bái 5 gian tường hồi bít đốc, sát hai bên có am nhỏ là nơi đặt ngựa đỏ, trắng, vừa biểu hiện quyền uy nhà thánh, mang ý nghĩa "mã đáo thành công". Nóc điện đắp đôi rồng chầu, hoành phi đề “Linh Lang từ”. Qua toà tiền bái, nền điện được đắp cao dần, đó là dấu vết còn sót lại của một kiến trúc khá cổ. Toà hậu cung kết cấu một gian, hai trái với bốn góc mái cong duyên dáng, mỗi góc đều có đầu đao kiểu hồi long và một con lân khá chuẩn mực, về tạo hình trong thế chầu vào trung tâm.

Đền Kim Liên thường được người dân gọi là Đình Kim Liên, trước đây thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Đền thờ thần Cao Sơn, là dấu mốc giới phía Nam thành Thăng Long; cầu thần phù trợ cho việc canh tác, giảm bớt thiên tai cho người dân.

Đền Kim Liên được xây dựng từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long để bảo vệ phía Nam kinh thành mới. Hiện tại Đền vẫn còn tấm bia đá do sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ-Hồng Thuận thứ ba (tức năm 1510) có nội dung: "Cao Sơn lừng danh/ Vòi vòi oai linh/ Hễ cầu tất ứng/ Ban khắp ơn lành/ Ban thời vận rủi/ Trời sinh Thánh Minh".

Đền Quán Thánh được xây vào thời Lý Thái Tổ (1010-1028), một trong bốn đền thờ trấn giữ cửa ngõ thành Thăng Long thời đó. Đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là vị thần nhiều lần giúp dân nước Việt chống ngoại xâm, giúp An Dương Vương trừ ma khi xây thành Cổ Loa… Không chỉ là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, Đền Quán Thánh còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay.

 Tứ trấn Thăng Long-bốn ngôi Đền thờ bốn vị thần trấn giữ bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc-nét văn hóa lịch sử độc đáo, sáng tạo, phản ánh đậm nét đời sống, văn hóa, tín ngưỡng người dân đất Thăng Long- Hà Nội.

NGÂN MỸ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ