A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ gìn nét văn hóa truyền thống giữa đô thị hiện đại

QPTĐ-Giá trị văn hóa truyền thống chính là minh chứng rõ nét nhất phản ánh quá trình hình thành và phát triển của địa phương. Chính vì vậy, trong quá trình đô thị hóa, trong lòng các con phố hiện đại nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống về phong tục tập quán vẫn được người dân ở các địa phương giữ gìn và phát huy.

Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được các địa phương lưu giữ, phát huy.

Những ngày đầu Xuân, chúng tôi có dịp ghé về phường Phú Thượng, quận Tây Hồ tham dự lễ hội đình làng Thượng Thụy. Không gian lễ hội tràn ngập sắc màu với những lá cờ, đèn lồng rực rỡ và các trò chơi dân gian. Tiếng trống, tiếng chiêng vang lên rộn ràng, tạo nên một bầu không khí náo nhiệt, sôi động. Những màn múa lân, múa rồng, những tiết mục văn nghệ truyền thống được biểu diễn công phu, thu hút sự chú ý của cả người lớn và trẻ em. “Việc bảo tồn lễ hội đình làng được người dân thực hiện một cách bài bản, từ phục dựng các nghi lễ truyền thống, khôi phục trang phục cổ xưa đến việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí dân gian như múa lân, đấu cờ... Những hoạt động này đã thu hút được sự tham gia của tất cả mọi người dù ở bất cứ tôn giáo nào và không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn gắn kết cả một cộng đồng”-ông Hoàng Trọng Phu, Trưởng ban quản lý di tích đình Thượng Thụy xúc động chia sẻ.

Lễ hội đình làng tại quận Tây Hồ là một sự kiện truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, diễn ra thường niên vào đầu năm tại các ngôi đình cổ kính như đình Phú Xá, đình Quảng Bá, đình Nhật Tân; lễ hội là dịp để người dân trong làng tụ họp, cùng nhau dâng hương, cầu nguyện và tôn vinh các vị thần linh, anh hùng dân tộc. Có thể thấy, người Hà Nội xưa nay đã để lại một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ với ca dao, tục ngữ, lễ hội… cùng hàng loạt các di sản văn hóa vật thể độc đáo khác, trở thành tài sản, bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Kinh kỳ. Đây đều là những lễ hội truyền thống lâu đời, đa dạng về sắc thái và độc đáo về giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa riêng, gắn với lịch sử của kinh thành Thăng Long. Có lễ hội trải rộng nhiều phường, quận, có lễ hội giữ nguyên được truyền thống giao hảo, kết chạ có từ hàng trăm năm nay. Tuy vậy, do sự thay đổi về cộng đồng, môi trường, áp lực của cuộc sống hiện đại nên nhiều lễ hội đứng trước nguy cơ mai một.

Ông Phạm Xuân Đức, Bí thư Đảng ủy phường Phú Thượng cho biết: “Công tác bảo tồn lễ hội đình làng ở phường Phú Thượng nói riêng và quận đã và đang được thực hiện với nhiều nỗ lực từ cộng đồng và chính quyền địa phương. Các hoạt động trùng tu, phục dựng, tổ chức lễ hội được thực hiện một cách cẩn trọng, tôn trọng nguyên gốc và tạo điều kiện để người dân tham gia, đóng góp ý kiến. Đồng thời, việc quảng bá, giới thiệu về lễ hội đình làng cũng được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch văn hóa bền vững. Việc bảo tồn này không chỉ giúp duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ hiểu biết và trân trọng lịch sử, văn hóa dân tộc”.

Những nỗ lực bảo tồn lễ hội đình làng tại quận Tây Hồ đã khẳng định bề dày văn hóa, tạo nên một không gian lịch sử, cộng đồng trong lòng đô thị hiện đại. Giá trị văn hóa truyền thống được bảo lưu đã tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa của cả dân tộc. Đây còn là minh chứng cho sự đồng lòng, tình yêu và ý thức trách nhiệm của người dân và chính quyền đối với di sản của quê hương.

Ý NHI

 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ