A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để tiếng chiêng Mường mãi ngân vang

QPTĐ-Nói đến cồng chiêng, mọi người thường nhắc đến vùng đất Tây Nguyên đại ngàn mà ít ai nghĩ, ở ngay Thủ đô Hà Nội, khi đến với đồng bào dân tộc Mường các xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình, huyện Thạch Thất, chúng tôi lại được thưởng thức âm thanh trầm bổng, vang vọng của cồng chiêng giữa núi rừng. Được biết, người có công lớn trong gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng nơi đây là nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân. Bà luôn trăn trở làm sao để tiếng chiêng Mường quê mình mãi vang xa…

Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân luyện tập.

Nét đẹp chiêng Mường

Tiếng cồng chiêng như bản nhạc âm vang của núi rừng, có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Mường huyện Thạch Thất. Tiếng chiêng Mường có mặt ở mọi thời khắc, trong lễ hội, ngày tết, đám cưới, đám tang, mừng được mùa, mừng nhà mới, tiếng chiêng trẩy hội tòng quân, trong sinh hoạt cộng đồng… “Búng binh…bùng”, âm hưởng của cồng chiêng vang vọng, lan tỏa, thúc giục, lôi cuốn mọi người vào hoạt động tập thể. Theo nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, một bộ cồng chiêng đầy đủ của người Mường sẽ có 12 chiếc, mỗi chiếc có kích thước khác nhau, từ nhỏ đến lớn. 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm, tạo nên vòng quay tự nhiên bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đặc biệt, 12 chiếc chiêng mang 12 âm sắc riêng biệt. Khi trình diễn, thông thường trong dàn chiêng, 5 người mang 5 chiếc chiêng đầu gõ theo đúng âm sắc. 7 người còn lại dựa vào chiếc cồng chiêng lớn nhất để hòa theo tiết tấu chung. Bởi vậy, nếu không để ý, người nghe sẽ khó phân biệt được cái hay của giai điệu. Hiện nay, nghệ nhân Bích Thìn đã nghiên cứu để mỗi người đánh theo đúng âm sắc của từng chiếc chiêng. Để rồi, 12 chiếc tạo nên “bản giao hưởng” có hợp âm nghe trầm, bổng lay động lòng người.

Truyền lửa văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Đối với người Mường, có hai bài chiêng cổ nổi tiếng nhất là “Bông trắng, bông vàng” và “Sẹc pùa” (Sắc bùa). Bài “Sắc bùa” với tiết tấu nhanh, vui nhộn, rộn rã, thường dùng để chúc tụng trong ngày Tết, hay trong những dịp vui như: Rước dâu, mừng hội xuống đồng, mừng khách đến nhà, hoặc dùng nhạc đệm khi hát “thường đang bộ mẹng” (hát nói), hát ví của dân tộc Mường. Còn “Bông trắng, bông vàng” lại có nhịp chậm, trầm hùng, được sử dụng trong ngày lễ hội, nghi lễ trang trọng. 

Báu vật cần được gìn giữ


Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, người có công lớn trong giữ gìn, phát huy văn hóa cồng chiêng.

Có thể nói, văn hóa cồng chiêng là di sản đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc Mường, làm phong phú thêm nền văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, do sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền, các dân tộc đã tác động mạnh và đang có xu hướng lấn át, làm mờ nhạt văn hóa bản địa. Vì vậy, một số giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường trên địa bàn huyện Thạch Thất, trong đó có nghệ thuật cồng chiêng đã và đang dần bị mai một. Trước thực trạng trên, năm 2016, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất, giai đoạn 2016-2020”. 

Theo Đề án xác định, 100% các thôn, bản có đội chiêng và được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm, sử dụng thành thạo chiêng vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng. Phấn đấu đến hết năm 2020, tất cả các thôn của 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung đều có bộ chiêng Mường đạt yêu cầu để phục vụ việc tập luyện, tham gia các chương trình giao lưu, hội thi và các sinh hoạt cộng đồng của thôn. Nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tâm huyết của nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, đến nay, toàn huyện Thạch Thất đã có 43 đội cồng chiêng. Trong số đó, nhiều đội đã thuần thục cách diễn tấu các bài chiêng cổ của dân tộc Mường và có thể biểu diễn chuyên nghiệp. 

Đồng chí Đoàn Thị Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình chia sẻ: “Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề và Chương trình hành động đối với công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mường trên địa bàn. Từ đó, chỉ đạo sâu sát việc bảo tồn, khôi phục và phát huy một số loại hình văn hóa như nhà sàn, trang phục, ngôn ngữ, Mo Mường và chiêng Mường. Hiện nay, toàn xã có 6 thôn, mỗi thôn có 2 đội cồng chiêng do Chi hội Phụ nữ và Chi hội Người cao tuổi làm chủ quản. Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu để mời nghệ nhân về truyền dạy, thành lập thêm đội cồng chiêng của Chi đoàn thanh niên. Chúng tôi quyết tâm bằng mọi giá cũng phải giữ cho được và phát triển văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng dân tộc Mường xã Yên Bình”.

Nỗi niềm bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng cũng đau đáu trong lòng nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn. Chính vì vậy, nhiều năm qua, bà đi khắp nơi, mang vốn kiến thức sưu tầm được bao năm của mình về cồng chiêng để truyền lại cho mọi người. Tuy nhiên, số lượng người học còn chưa nhiều. Theo nghệ nhân, cùng với đối tượng là những hạt nhân văn hóa, văn nghệ, cần mở rộng truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho đông đảo nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để sức lan tỏa lớn hơn. Nếu được, có thể đưa loại hình nghệ thuật này thành môn học ngoại khóa trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Chỉ cần các nhà trường đề nghị, bà sẽ đến để truyền dạy cho các em một cách bài bản nhất về cách đánh cồng chiêng… Nghệ nhân cũng mong muốn các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa và tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật cồng chiêng Mường. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các hội thi, sự kiện văn hóa để các đội cồng chiêng có thêm sân chơi bổ ích, giao lưu, học hỏi, thắp thêm ngọn lửa đam mê trong giữ gìn vốn di sản văn hóa đặc biệt quý giá của dân tộc Mường…

Xuân sắp về trên khắp đất trời. Trong không khí đón chào năm mới Quý Mão 2023, đồng bào dân tộc Mường huyện Thạch Thất hân hoan, phấn khởi khi đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Và vui hơn nữa, ở nơi núi rừng xanh thẳm ấy, tiếng cồng chiêng vẫn ngân lên sâu lắng, vang vọng…

ĐỨC TRỌNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ