A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con đường mang tên danh nhân văn hóa trên lĩnh vực giáo dục Việt Nam

QPTĐ-Nhắc tới Chu Văn An là nhắc tới con người suốt đời "tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc” (Đại Việt sử ký toàn thư); một danh nhân văn hóa trên lĩnh vực giáo dục của Việt Nam, một nhà giáo mẫu mực, suốt cuộc đời gắn bó với sự nghiệp dạy người để làm người, phụng sự đất nước, không cầu danh lợi, chính trực, thanh liêm. Người Việt Nam qua các thế hệ đều tôn xưng Chu Văn An là Người thầy mẫu mực của muôn đời. Với  những đóng góp của ông cho đất nước nên hiện có rất nhiều tỉnh, thành đặt tên ông cho các ngôi trường, tuyến đường huyết mạch của địa phương mình. Tại quận Hà Đông, Hà Nội, đây là tuyến đường rất lâu đời, được nhiều người dân biết đến.

Một góc phố Chu Văn An, Hà Đông

Đường Chu Văn An bắt đầu từ đường Quang Trung (kề bên Bưu Điện Hà Đông) chạy tới Cầu Am (nối liền với Vạn Phúc) kéo dài đến quận Nam Từ Liêm. Đường rộng chừng 20 mét, dài khoảng 400 mét. Đây là đoạn đường rộng gồm 2 làn đường một chiều. Là nhánh của nút ngã tư, kế bên công viên, nối với Quốc lộ 6, chợ Vồ và nhiều trụ sở hành chính đứng chân, các khu chung cao cấp, cao tầng nên nơi đây luôn nhộn nhịp người qua lại, buôn bán, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu của cuộc sống; góp phần không nhỏ để đời sống người dân nơi đây không ngừng phát triển.

Chu Văn An sinh năm 1292, người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội), mất năm 1370, tại núi Phượng Hoàng, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông có tên tự là Linh Triệt, tên hiệu là Tiều Ẩn, tên thụy là Khang Tiết tiên sinh, tước hiệu là Văn Trinh Công. Ông là Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trực tiếp giảng dạy cho Thái tử và được thờ tại đây ngay sau khi ông mất. Cuộc đời Chu Văn An gắn liền với dạy học, làm thầy ở ba không gian: Quê hương Thanh Liệt (Thanh Trì), Quốc Tử Giám và Chí Linh (Hải Dương) và để lại tấm gương mẫu mực về đạo đức, trí tuệ và tinh thần, trách nhiệm với đất nước. 

Ông là người đứng đầu Trung tâm giáo dục cao cấp nhất Việt Nam-Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Là một người dành cả cuộc đời cho giáo dục với phương thức giáo dục không phân biệt tầng lớp xuất thân; học đi đôi với hành với phương pháp khơi dậy, tự suy nghĩ, phát hiện chân lý. Triết lý giáo dục nhân bản, nhận thức được tiềm năng học vấn của mọi con người và con người phải được giáo dục để trở thành con người toàn diện, giáo dục là dạy con người phong cách xử thế để trong mọi hoàn cảnh đều có thể hòa hợp với đồng loại.

Trong sự nghiệp giáo dục, ông viết bộ sách “Tứ thư thuyết ước” gồm 10 quyển đều đã bị thất lạc. Dù không giữ được tác phẩm nhưng những tư tưởng châm nho của ông đã được các học trò thấm nhuần và có ảnh hưởng lớn trong việc duy trì truyền thống đạo đức Việt Nam trong bối cảnh triều chính thối nát dưới thời Trần Dụ Tông. Trong hoạt động dạy học, Chu Văn An nỗ lực giảng giải học thuyết kinh điển của đạo Nho, tạo điều kiện cho lí thuyết Nho giáo của Khổng, Mạnh được dần dần độc tôn trước đạo Phật. Các đời vua sùng Nho sau này rất biết ơn thầy Chu Văn An. Về nhân cách nhà giáo, Chu Văn An là một người thầy uy nghi, mẫu mực, khiến lớp học trò phải kính nể, tôn phục. Những học trò đã làm quan to như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, nhưng làm điều sai sót, chưa ổn khi về thăm thầy vẫn bị thầy nghiêm khắc quát mắng.

Với sự nghiệp văn chương, ông viết: “Tiểu Ẩn thi tập” và “Quốc ngữ thi tập” nhưng đều không còn giữ được. Người đời sau chỉ còn ghi lại được 11 bài, trong đó có 2 câu được truyền tụng nhất vì thể hiện rõ nhất tư tưởng làm người của Chu Văn An: Thân dữ cô vân trường luyến tụ/Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan. Nghĩa là: Đời như đám mây lẻ, ngừng mãi trong không gian/Lòng như giếng nước xưa, không bao giờ gợn sóng

Sau khi ông mất, có 12 địa điểm thờ tự; tên ông được đặt cho 50 trường học, 33 đường, phố trải dài trên khắp các miền của đất nước.

Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ