A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bát canh của mẹ

 

QPTĐ-Đã lâu lắm, hôm nay vợ tôi lại nấu canh cua với rau rút. Sau khi đun sôi nước cốt, vợ tôi chưng gạch cua bằng mỡ lợn với hành khô rồi đổ vào nồi canh. Tới lúc gần ăn, đun sôi, bắc ra mới bỏ rau rút vào, rồi đậy lại, chừng 5 phút thì múc ra. Khi mở vung ra, mùi gạch cua xen lẫn mùi rau rút tạo thành hương vị thơm ngon có sức quyến rũ lạ thường, khiến tôi nhớ đến bát canh cua rau rút mà mẹ đã nấu cho tôi từ thủa còn ở nhà.

Tranh vẽ: Nguyễn Phan Chánh.

Ngày ấy, quê tôi, một huyện chiêm trũng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, vào những năm cuối 1960 của thế kỷ trước, hầu như nhà nào cũng thiếu ăn, có năm thiếu ăn từ 10 đến 15 ngày, thậm chí cả tháng. Nhưng bù lại, quê tôi rất rồi dào về tôm, cá. Vào mùa Hè, giữa trời nắng tháng 6, chỉ cần chịu khó ra đồng, lội một lúc trên các thửa ruộng vừa cấy xong là có thể bắt được hàng chục cân cá, tôm, cua bị say nắng bò lên bờ và nằm ngửa bụng trên mặt nước. Cá, cua bắt được mang về rửa sạch, chế biến phục vụ ngay bữa ăn trong ngày. Được nhiều thì phơi khô, dùng làm thực phẩm dự trữ ăn lâu dài trong mùa Đông và tới cả năm sau. Quê tôi cũng là thủ phủ của các loại rau như: Cải bắp, su hào, mướp, rau đay, rau dền, rau muống. Riêng rau muống, nhà nào cũng có một ao rộng hàng sào, có ao rộng tới vài ba sào. Trong ao rau muống, gia đình nào cũng thả một bè rau rút nhỏ ở giữa ao. Sau mỗi trận mưa, rau muống non mơn mởn, còn rau rút thì vươn dài, ngọn nào, ngọn nấy to mập, bơi trắng xoá giữa mặt ao. 

Gia đình tôi, mỗi khi bắt được cua đồng mang về, mẹ rửa sạch, xé ra, phần thân cua có càng để riêng, phần mai cua có gạch để sang một bên. Khi khêu gạch, mẹ tôi thường dùng chiếc kim băng hoặc đũa nhỏ, khêu hết các đốm màu vàng ở trong mai vào một chiếc bát, sau đó cho tất cả thân cua và mai đã vảy sạch nước vào chiếc cối nhỏ, dùng chày gỗ giã như giã giò. Đến khi toàn bộ cua trong cối đã giã nhỏ và nhuyễn thì đổ nước sạch vào lọc để lấy nước cốt (thường lọc từ 1-2 lần nước). Rau muống non và rau rút hái về rửa sạch. Rau muống thì vặn nhỏ thành từng đoạn để vào một chiếc rổ, còn rau rút nhặt để riêng. Mẹ tôi cho nước cốt cua đã bỏ vừa mắm muối đun sôi, khi nào thấy từng mảng gạch cua nổi lên thì mới thả rau muống, đun một lúc thì bỏ tiếp rau rút vào và cho thêm một tí mì chính rồi bắc ra. Nhiều hôm không nấu canh cua với rau muống, mẹ tôi nấu riêu cua với rau rút. Sau khi đun sôi nước cốt của cua đã cho vừa mắm muối, mẹ tôi lọc mẻ bỏ vào nồi riêu, rồi thái thêm quả khế vào cho ngon. Khi thấy miếng khế vừa chín mềm thì bắc ra và bỏ rau rút vào, rồi đậy lại, vì vậy, nồi canh cua nấu với rau muống, hay rau rút đều có vị ngọt thơm ngon của cua, khiến cho tôi nhớ mãi không quên.

Biết tôi hay ăn canh cua nên vợ thường mua cua về nấu. Những lúc như thế, tôi thường nói với vợ: “Em nấu canh gần ngon bằng u rồi đấy (quê tôi gọi mẹ bằng u). Nhưng đó là lời động viên, còn thực ra bát canh cua rau rút trưa nay làm sao sánh nổi với bát canh mà mẹ tôi đã nấu cho chúng tôi ăn từ thưở nào. Đành rằng, trên thị trường hiện nay, nhất là Hà Nội, phần lớn cua, cá nước ngọt mua ở chợ đều được nuôi trong hồ, ao và cho ăn bằng các loại thức ăn công nghiệp nên sản lượng thu về hằng năm tăng rất nhanh nhưng chất lượng dinh dưỡng cũng bị giảm hẳn so với trước. Song không phải vì thế mà bát canh vợ nấu không ngon bằng bát canh của mẹ. Bát canh của mẹ ngon hơn, bởi ngoài chất lượng rau, cua và kỹ thuật nấu tuyệt vời của mẹ còn có một thứ tinh chất vô cùng quí giá mà không gì có thể so sánh được, đó là tình yêu của mẹ dành cho các con, một phẩm hạnh tự nhiên của tình mẫu tử. Chính vì thế mà mẹ sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để đem lạị niềm hạnh phúc, sung sướng, đủ đầy cho các con của mình. Mẹ tôi cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác là như thế đấy. Xin ngàn lần cám ơn mẹ và dâng lên lời tri ân của con đối với mẹ nhân ngày lễ tạ ơn này.

Thu Duyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ