A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Món ăn tinh thần của bộ đội Trường Sa

 

Đến với Trường Sa, ở cả đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn DK1, chúng tôi đều được tham quan, tìm hiểu đời sống sinh hoạt, học tập, công tác của bộ đội. Ở đây, đời sống văn hóa tinh thần thật cần thiết, trong đó sách, báo là “món ăn” không thể thiếu vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Trong điều kiện ở xa đất liền, ngoài thông tin từ đài phát thanh, truyền hình thì sách, báo, tạp chí là nguồn tư liệu quý giá giúp cán bộ, chiến sĩ trong việc nâng cao chất lượng tự học, tự rèn.

 

 

Sách, báo là món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội Trường Sa.

 

Trung sĩ Đỗ Minh Tâm (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo Tốc Tan A chia sẻ: “Với em, đọc sách, báo không những mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn mà còn giúp em có những phút giây thư giãn, vơi đi nỗi nhớ nhà. Vì thế, thời gian rảnh em thường lên Phòng Hồ Chí Minh đọc tài liệu, sách, báo có liên quan đến lịch sử, truyền thống của dân tộc, về chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của Tổ quốc Việt Nam hiện nay”.

 

 

Còn Trung sĩ Nguyễn Văn Tứ (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng), Khẩu đội trưởng trên đảo Thuyền Chài bộc bạch: “Hàng tháng, hàng quý mới có một chuyến tàu từ đất liền ra thăm, các loại báo và tạp chí sẽ được mang theo để cấp cho các đảo. Mọi thông tin trên báo dù không còn tính thời sự nhưng em vẫn thích đọc vì “cũ người mới ta”. Do còn phải làm nhiệm vụ canh trực, không phải lúc nào em cũng có thể xem ti vi hay nghe đài, vì thế sách, báo luôn là người thầy, người bạn thân thiết của em”.

 

Được biết, hàng năm, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đều bổ sung sách, truyện, tạp chí cho các Thư viện ở Trường Sa. Bên cạnh đó, các đoàn ra thăm Trường Sa cũng tặng nhiều sách, báo cho bộ đội. Chính vì thế, số lượng sách ở các đảo và nhà giàn không ngừng được bổ sung phong phú, đa dạng thể loại và số lượng. Các giá sách, giá báo trong phòng Hồ Chí Minh nơi chúng tôi đến được cán bộ, chiến sĩ xếp đặt ngăn nắp, phân loại theo từng chủ đề như: Văn hóa, Pháp luật, Kinh tế, Khoa học kỹ thuật, Tiểu Thuyết, Thơ; báo Quân đội nhân dân, báo Nhân dân, báo Thể thao…rất thuận tiện cho bộ đội lựa chọn, tra cứu các đầu sách, cũng như việc đăng ký mượn sách về phân đội tìm hiểu.

 

Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên đảo Trường Sa lớn, cho biết: “Thư viện của đảo hiện có trên 6.000 đầu sách, hơn 30 đầu báo, tạp chí và một tủ sách pháp luật, phục vụ nhu cầu giải trí, học tập của cán bộ, chiến sĩ sau giờ huấn luyện, lao động căng thẳng. Ai không có thời gian đọc tại Thư viện có thể mượn sách về phân đội đọc những khi rảnh rỗi. Theo chế độ quy định, hằng ngày, chúng tôi tổ chức cho bộ đội đọc sách, báo tập trung tại Phòng Hồ Chí Minh. Nội dung thường là điểm lại các sự kiện chính trị nổi bật trong nước và quốc tế đã diễn ra trong thời gian qua. Mỗi tháng, đơn vị lại có một buổi sinh hoạt để định hướng, giới thiệu cho anh em tìm đọc những cuốn sách hay, bổ ích. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng nhau trao đổi, bình luận về những cuốn truyện, cuốn sách mà mình tâm đắc”.

 

Cũng theo anh Tuấn, Chỉ huy đảo rất chú trọng động viên, giáo dục để mỗi quân nhân tự ý thức, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức toàn diện về tinh thần yêu nước, tình cảm gắn bó yêu mến đơn vị và có trách nhiệm với chủ quyền biển, đảo. Qua đây, để thấy, sách, báo đóng một vai trò quyết định trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giúp cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo và nhà giàn vững chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Hữu Thu

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ