A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Minh bạch thông tin

 

Có những định nghĩa về minh bạch thông tin khác nhau. Nhưng  định nghĩa thường dùng là về sự thoáng đạt, tự do thông tin và trách nhiệm giải trình. Một hệ thống hay định chế minh bạch thường hoạt động theo cách để ai cũng có thể hiểu về nó. Một tổ chức được coi là “minh bạch” nếu truyền đạt thông tin chuẩn xác về họ cho công chúng.

 

 

Công an Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng mạng xã hội để nắm bắt nhanh thông tin từ người dân.

 

Minh bạch là nhằm đảm bảo sự dân chủ trong xã hội, là quyền của người dân tham gia quản lý cơ quan, tổ chức và là một giải pháp quan trọng hạn chế tham nhũng, quan liêu. Quá trình thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình không hề dễ dàng, thường gặp nhiều trở ngại song Chính phủ, tổ chức và mỗi công dân vẫn có giải pháp để thực hiện.

 

Có thể kể một số giải pháp như: Trong mọi thông tin cho công chúng, không dùng thuật ngữ và ngôn từ khó hiểu để người dân tiếp cận một cách dễ dàng. Cách thức ấn định lương bổng của cán bộ, công nhân viên phải minh bạch, bảo đảm ai cũng được trả lương theo công việc một cách công bằng. Các cơ quan, đơn vị phải trình bày sự hoạt động của mình và báo cáo cho nhân viên, cũng như những ai quan tâm về tác động của cơ quan, đơn vị đó đối với xã hội...Chính phủ báo cáo cho dân biết về mức tăng trưởng, tình hình phát triển kinh tế, mức nợ công…Trừ những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, chính quyền các cấp phải cho nhân dân tìm hiểu về quá trình quyết định những chính sách. Ngành lập pháp bảo đảm quyền tự do tiếp cận thông tin của dân bằng những đạo luật cụ thể.

 

Các nước thường có đạo luật tự do thông tin để phục vụ mục đích này. Hầu hết luật loại đó đều quy định khi khả năng gây thiệt hại được giảm bớt thì thông tin cần được công bố. Ở Ireland, tài liệu lưu trữ về các phiên họp Chính phủ chỉ được giữ bí mật trong thời hạn 10 năm. Ở Mexico, Luật Minh bạch liên bang quy định tất cả các trường hợp ngoại lệ chỉ được áp dụng trong thời hạn 12 năm và “Thông tin không thể được giữ bí mật nếu như có ảnh hưởng đến các cuộc điều tra về các hành vi vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản hoặc điều tra tội phạm chống lại loài người”. Họ giới hạn việc xếp hạng những tài liệu của Chính phủ vào loại “mật”, “tối mật” hay “an ninh quốc phòng”, vì nêu lý do bí mật dễ bị lợi dụng để tham nhũng và lạm quyền. Trong công cuộc bài trừ tham nhũng, minh bạch là một vũ khí chính vì quan chức bắt buộc phải giải trình và công khai hoá công việc thì họ rất khó có cơ hội kiếm chác trái phép. Công bố những thông tin thuần tuý về hành chính và lý do các quyết định hành pháp liên quan đến công quỹ cho thấy nguyên tắc công bằng được tôn trọng. Dùng phương tiện hữu hiệu nhất để chuyển tải thông tin mà ngày nay là trang thông tin điện tử trên internet của mỗi cơ quan, tổ chức.

Ở nước ta, đang có quá trình minh bạch hóa thông tin. Nhiều người cho rằng, cung cấp thông tin phải theo nguyên tắc “Công khai tối đa, bí mật ngoại lệ”. Đây là những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn các nước. Trong thời đại toàn cầu hóa, tương tự như trong các lĩnh vực khác của văn hóa, thương mại…giữa thông tin công khai và thông tin mật chỉ là “ranh giới mềm”. Danh mục bí mật Nhà nước luôn phải điều chỉnh, thay đổi, nên liên quan đến yêu cầu “giải mật”. Nếu thông tin không được “giải mật” kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.

 

Vấn đề minh bạch thông tin gắn liền với trách nhiệm giải trình, chí ít là về những yếu tố quan trọng và cần thiết nhất như ngân sách, phân bổ nguồn tài chính, mua sắm công, phúc lợi xã hội, kê khai tài sản, thu nhập...cũng như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thực tiễn cho thấy, nếu chính quyền lên tiếng đúng lúc, minh bạch và chính xác thì hậu quả của những thông tin trôi nổi do đồn đoán hoặc tin không được kiểm chứng sẽ giảm hẳn. Do đó, cơ quan chức năng phải giữ vai trò chủ động cung cấp thông tin cho báo chí,  truyền thông. Thông tin trên mạng xã hội trong một số trường hợp đã và đang lấn át những thông tin của cơ quan báo chí chính thống, đôi khi lại vẫn có sự tin cậy nhất định. Một bài học có thể rút ra là việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, truyền thông phải trở thành nguyên tắc bắt buộc đối với mọi cơ quan Nhà nước, dù ở Trung ương hay địa phương.

 

 Cũng cần có một tổ chức trọng tài về thông tin quốc gia do Quốc hội quản lý với trách nhiệm thụ lý khiếu kiện, tố cáo của công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Nhà nước cần xây dựng cơ chế phán quyết độc lập với các cơ quan hành chính; độc lập với cơ quan báo chí và nhà báo khi có tranh chấp về việc thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân để đảm bảo tính khách quan, vô tư.

 

         HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ