A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Miếu Gàn và câu chuyện cảm động tình thầy trò

 

QPTĐ- Trên con phố Linh Đường tấp nập người qua lại là miếu Gàn nằm khuất nẻo dưới những tán cây cổ thụ. Ngôi miếu nhỏ này thờ phụng một vị thần linh thiêng của vùng sông nước, gắn với câu chuyện về tình thầy trò cảm động cả ngàn năm.

 

 

Miếu Gàn (phố Linh Đường, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).


Truyền thuyết kể lại rằng, sau khi dâng “thất trảm sớ” đề xuất chém đầu bảy tên nịnh thần mà vua nhà Trần không nghe, “vạn thế sư biểu” Chu Văn An (1292-1370) cáo quan về “gõ đầu trẻ” ở quê nhà (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì). Học trò bốn phương kéo đến rất đông, trong số này, có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng nhưng không rõ tông tích ở đâu. Ông bèn cho người dò xem nhưng cứ đến khu đầm Đại (khu đầm lớn hình vành khuyên, nay là hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) thì biến mất nên biết là thủy thần. Gặp lúc đại hạn, giảng bài xong, ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân, giúp thầy. 


Người học trò kỳ lạ trước có vẻ ngần ngại, sau đứng ra xin nhận và nói rằng, sẵn sàng giúp dân nhưng sẽ bị trời xử phạt. Sau đó, người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, học trò tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức, mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn.

 

Đến sáng thấy có xác thuồng luồng nổi lên ở đầm, Chu Văn An được tin khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng, nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn bèn lập đền thờ là miếu Gàn ngày nay. Chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên đặt tên là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai-quê hương của dòng họ Ngô Thì nổi tiếng với nhóm Ngô Gia Văn phái là Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Du...


Hiện nay, ở trong vùng có tám làng thuộc bốn xã lập miếu duy trì tín ngưỡng thờ thuỷ thần Bảo Ninh. Đó là các làng Pháp Vân, Linh Đàm, Bằng A, Bằng B, Tứ Kỳ (xã Hoàng Liệt), Tựu Liệt (xã Tam Hiệp), Đại Từ (xã Đại Kim), Hữu Thanh Oai (xã Hữu Hoà).


Câu chuyện lưu truyền đã gần 700 năm mang nhiều tính huyền thoại nhưng chứa đựng không ít giá trị lịch sử, văn hóa đã được các nhà nghiên cứu giải mã. Xưa, vùng đất Thanh Trì-Hoàng Mai thuộc về trấn Sơn Nam, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long, có nhiều hồ đầm; thế nên việc thờ phụng thủy thần rất phổ biến. Óc tưởng tượng của dân gian hư cấu một vị thủy thần giúp dân làm mưa trong những giai đoạn thời tiết khô hạn là điều tất yếu.

 

Tuy nhiên, việc một vị thủy thần vì nghe lời thầy dạy học sẵn sàng hy sinh “tính mạng” để cứu dân được lý giải là một sản phẩm của tư tưởng Nho giáo hư cấu mà thành. Thời Chu Văn An còn sống, vào cuối thời Trần, Nho giáo trỗi dậy mạnh mẽ, để gần một thế kỷ sau trở thành Quốc giáo dưới triều vua Lê Thánh Tông trị vì (1460-1497). Những nhà Nho nắm quyền dưới thời vua Lê đã sửa lại thần phả khắp cả nước, trong đó có vị thủy thần ở hồ Linh Đàm để sáng tạo ra câu chuyện về hiếu lễ đậm tính Nho giáo.


Từ khi có ngôi miếu Gàn, các triều đại phong kiến liên tiếp ban đạo sắc cho dân thờ và phong là Thượng đẳng thần Bảo Ninh Vương. Miếu tuy không lớn nhưng bên trong có nhiều mảng chạm khắc đẹp, có bộ sưu tập cổ vật quý gồm hương án từ thế kỷ XVIII, các khám thờ, long ngai, bài vị, hoành phi, câu đối và bát nhang từ thế kỷ XIX.

 

Ngày 11/9/1993, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2009, miếu Gàn được tu bổ nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ngày nay, cứ đến tháng Tám âm lịch, người dân quanh hồ Linh Đàm đều tổ chức lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ công đức vị thủy thần vì nghĩa quên thân và để tôn vinh đạo thầy trò cao đẹp.


DUY MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội