A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng nghề sơn mài Hạ Thái

 

QPTĐ-Làng nghề sơn mài Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, nằm cách trung tâm Thủ đô 17 km. Tương truyền, nghề sơn Hạ Thái có từ khoảng thế kỷ XVII, lúc đó mới chỉ là nghề sơn đồ nét. Tuy không phải ông tổ nghề sơn của Việt Nam, nhưng phường sơn son thếp vàng Cự Tràng (tên gọi cũ của làng Hạ Thái) là một nơi được trọng dụng vì có nhiều nghệ nhân tài hoa, khéo léo. Chính vì chuyên nghề gia công đồ cho tầng lớp quý tộc và vua chúa lúc bấy giờ nên người ta gọi nơi đây là làng nghề "dâng vua". Những năm 30 của thế kỷ trước, phường sơn son thếp vàng Hạ Thái có nhiều đổi thay lớn. Những họa sỹ Việt Nam đầu tiên học trường Mỹ thuật Đông Dương tìm tòi, phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật, tre… và đặc biệt là kỹ thuật sơn mài độc đáo. Cũng trong giai đoạn này, cụ Đinh Văn Thành, giảng viên trường Mỹ thuật Đông Dương, là người làng Hạ Thái đã đưa nghề sơn mài về truyền dạy cho người dân trong làng. Nhờ vậy, nghề sơn mài tuy ra đời muộn hơn các nghề cổ truyền khác nhưng nó đã nâng nghề sơn lên thành nghệ thuật bởi sự công phu, cầu kỳ trong quá trình sáng tạo để làm nên sản phẩm.

 

 

Sản phẩm sơn mài Hạ Thái đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.


Để làm nên một sản phẩm sơn mài mang dấu ấn riêng, các nghệ nhân phải cẩn thận tỉ mẩn trong từng công đoạn: Bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng. Đó là 4 công đoạn chính để làm nên một sản phẩm sơn mài Hạ Thái. Mỗi công đoạn đều được các nghệ nhân chau chuốt, kết hợp đến từng chi tiết nhỏ nhất, đa phần các công đoạn này đều được tạo nên bằng bàn tay tỉ mẩn của các nghệ nhân lành nghề. Xưa kia, những người thợ thủ công chỉ tập trung vào sản xuất hàng sơn son thiếp vàng, chủ yếu dùng các loại sơn ta, cách pha theo kinh nghiệm cổ truyền. Ngày nay, trước sự phát triển của công nghệ kĩ thuật, sơn ta dần được thay thế bằng sơn Nhật với những ưu điểm như nhanh khô, phù hợp với thời tiết, không gây tác hại cho người sử dụng…nhờ vậy, sản phẩm của làng nghề ngày càng trở nên đa dạng. Bên cạnh những sản phẩm sơn mài truyền thống như tranh sơn mài, hoành phi hay câu đối, các nghệ nhân Hạ Thái còn tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước như: Bát, đĩa, lọ hoa, khay, bàn ghế, giường tủ… 


Tính tới thời điểm hiện tại, làng nghề Hạ Thái có 7 công ty, 35 cơ sở sản xuất và 250 hộ tham gia kinh doanh được quy hoạch thành cụm công nghiệp để tập trung sản xuất, phát huy hiệu quả, đồng thời, thuận tiện cho du khách tham quan, tìm hiểu về các nét văn hóa của một làng nghề thủ công giàu truyền thống. 


   Phạm Luân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ