Làng mộc Vân Hà
QPTĐ-Tồn tại gần 400 năm, những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Vân Hà (huyện Đông Anh) đã làm biết bao người mê mẩn. Nghề mộc không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương, mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo các cụ cao niên nơi đây, chẳng rõ nghề này có từ khi nào, chỉ biết nghề bắt nguồn từ thôn Thiết Úng (hay còn gọi là làng Đóm). Người thợ mộc làng Đóm nhạy cảm với nghệ thuật, xuất phát từ cái tâm, sự sáng tạo đã truyền vào sản phẩm mỹ nghệ những nét tinh hoa riêng biệt. Chẳng thế mà người xưa vẫn hay gọi những người thợ Vân Hà là người “thổi hồn vào gỗ”.
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết: “Trải qua nhiều năm phát triển, đến năm 2010, làng nghề Thiết Úng được công nhận là “Làng nghề truyền thống”. Từ đó đến nay, làng nghề ngày càng phát triển nhanh, mạnh cả về năng suất và chất lượng sản phẩm. 90% người dân Vân Hà làm nghề mộc, hơn 1.000 hộ dân trực tiếp mở xưởng sản xuất gỗ. Trong đó, thôn Thiết Úng có truyền thống lâu đời và phát triển hơn cả. Hiện tại, thôn có 10 nghệ nhân được Nhà nước công nhận”.
Nhớ lại những ngày đầu làm nghề, ông Đồng Thế Hiển, một trong những nghệ nhân tạc tượng “lão làng” của Thiết Úng tâm sự với chúng tôi: “Lối điêu khắc, chạm trổ thủ công xưa đòi hỏi sự kết hợp khéo léo của bàn tay và khối óc để biến mớ gỗ vô tri vô giác trở nên có hồn. Vật dụng trong mộc truyền thống chỉ đơn giản gồm cưa, xẻ, đục, bào, dao lam. Tay làm, đầu óc suy nghĩ, thổi hồn vào đấy... Tôi từng bao bận mải mê với mớ gỗ mà quên ăn. Cái nào mình làm ra mà được người ta hài lòng thì mình mới vui được”.
Xã hội phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng cao, người dân Vân Hà nay đã biết sáng tạo, phối kết hợp máy móc vào khâu sản xuất, không những tăng năng suất mà còn đảm bảo chất lượng cho từng sản phẩm. Về xã Vân Hà hôm nay, đều thấy làng trên, xóm dưới, đâu đâu cũng nhộn nhịp không khí sản xuất. Hai bên đường, những xúc gỗ xếp tầng tầng, lớp lớp như đang chờ đợi bàn tay con người thổi hồn mình vào đó. Tiếng đục đẽo, tiếng máy hòa lẫn tiếng cười nói và xe cộ đi lại, càng làm cho không khí sản xuất nơi đây trở nên sôi động.
Nghề mộc đang mang lại nguồn kinh tế quan trọng cho người lao động xã Vân Hà, thu nhập bình quân đầu người từ 45-50 triệu đồng/năm. Nghệ nhân, thợ lành nghề, mức thu nhập có thể lên tới 25-30 triệu đồng/tháng. Không chỉ dừng ở việc làm mộc, từ nhiều năm nay, xã Vân Hà còn là nơi cung ứng gỗ nguyên liệu nhập khẩu cho nhiều tỉnh lân cận. Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, năm 2018 đã hình thành khu công nghiệp Hà Khê với diện tích 10,1 ha và tiếp tục xây dựng đề án khu công nghiệp thứ 2 trong thời gian tới.
HẢI YẾN