Làng cổ Bát Tràng
Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội đã tồn tại từ bao đời nay. Người dân nơi đây không chỉ tạo ra những sản phẩm độc đáo nhằm mục đích mưu sinh mà hơn thế còn gửi gắm vào đó cả tâm và tầm, tạo nên những nét văn hoá đặc sắc không đâu có thể sánh nổi.
Học sinh tham quan Lò bầu cổ hơn 100 tuổi ở Bát Tràng.
Theo ông Phạm Huy Cải, xóm 2, thuộc Ban Khánh tiết Đình làng Bát Tràng, một vài tài liệu cho rằng Bát Tràng tồn tại khoảng hơn 700 năm nhưng nếu so với các câu đối còn lưu giữ trong đình làng thì Bát Tràng đã có hơn 1000 năm. Từ tháng 8 năm 1010, khi Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về Thăng Long, một tốp thợ từ Yên Thành, Yên Mô đã ngược sông Hồng theo Vua ra đây để dựng thành và phát triển nghề. Vùng đất này khi ấy có Đầm Rồng, 72 gò, trong đó có gò đất trắng nên gọi là phường Bạch Thổ, đến năm 1.200 được đổi tên thành xã Bát Tràng. Cách đây 100 năm, sông Hồng đã làm lở 20ha đất của làng, còn lại hơn 10ha nhưng làng hiến 5ha cho Nhà nước đào kênh lấy nước tưới cho 3 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương nên chỉ còn lại 5,3ha. Khi lập nghiệp tại đây, các cụ luôn chú trọng tâm linh nên đã xây dựng đủ 5 di tích: Đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ.
Ông Cải khẳng định: “Làng cổ nào cũng có văn chỉ nhưng còn được xây dựng ra sao thì phải do sự học hành của làng đó. Làng tôi, Văn chỉ được lập nóc. Trải qua 1000 năm sống chung với lũ, sản phẩm làm ra, chúng tôi chỉ bán chứ không lưu lại nhưng trong dân gian, kể cả ở các bảo tàng lớn tại Pháp, To-ky-o, Men-bơn, Trung Đông…còn lưu lại rất nhiều. Điển hình tại Bảo tàng Pa-ri, Pháp đang lưu giữ chân đèn cao 70 cm, nặng 70 kg, được sản xuất vào thế kỷ 13.
Trải qua thời gian gắn bó với nghề, làng đã thay đổi 5 lần lò: Từ lò gạch đầu tiên đến lò ếch, lò đàn, lò bầu, lò hộp. Cả 4 lò đều có bất cập là gây ô nhiễm môi trường về khói bụi nên các nghệ nhân trong làng cải tiến chuyển sang lò ga, nếu sau này có điều kiện chuyển sang lò điện thì còn an toàn hơn.
Bao thăng trầm cùng lịch sử, cùng với tạo ra những sản phẩm để tạo nên thương hiệu làng nghề, người dân địa phương không quên mang theo nếp bút nghiên của vùng Tràng An. Thời phong kiến, Bát Tràng đã có một vị đỗ trạng nguyên, 8 vị đỗ tiến sỹ đầu triều, đồng thời có 364 cụ đỗ tú tài và cử nhân.
Bằng sự cần cù, sáng tạo và khéo tay của mình, lớp lớp thế hệ trong làng tạo nên những nét độc đáo cho “gốm Bát Tràng”, khẳng định được thương hiệu, vị thế trong và ngoài nước, nhiều người được công nhận là Nghệ nhân; xã cũng được Thành phố trao tặng 2 danh hiệu: “Làng nghề truyền thống” và 1 trong 10 “Làng khoa bảng” của thành phố Hà Nội.
Hiền Mĩ