A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giai điệu của tâm hồn

 

Đàn bầu là một trong những nhạc cụ tiêu biểu nhất của kho tàng nhạc cụ dân tộc Việt Nam, có xuất xứ lâu đời từ dân gian, được nhiều thế hệ nghệ sĩ dày công cải tiến. Đến nay, đàn bầu không chỉ độc tấu mà có thể hòa tấu cùng nhiều nhạc cụ khác, trình diễn trên sân khấu lớn, tiếp tục lan tỏa giá trị trong đời sống văn hóa nước nhà, được nhiều bạn bè quốc tế biết đến và hâm mộ.

 

 

Nhạc sĩ Hà Chương biểu diễn đàn bầu tại chương trình Vietnam’s got talent.


Trong các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam phục vụ du khách quốc tế, khách ngoại giao hoặc các sự kiện lớn trong nước cũng như chương trình của các nhóm, đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài, luôn có tiết mục đàn bầu. Tiếng đàn bầu đã gợi lên tình cảm sâu thẳm trong tâm hồn con người bằng những âm thanh thánh thót, dạt dào, sâu lắng. Khi xa quê, nghe một tiếng đàn bầu, chúng ta như được về với quê hương; với bờ tre, gốc lúa, dòng sông, bến nước, con đò…


Những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, các tác phẩm viết cho đàn bầu đã nở rộ và trở thành kinh điển như: Nhớ miền Nam (Nguyễn Xuân Khoát), Dòng kênh trong (Hoàng Đạo), Vì miền Nam (Huy Thục), Một dạ sắt son (Văn Thắng), Cung đàn đất nước (Xuân Khải), Trông cây lại nhớ đến Người (Đỗ Nhuận), Hà Nội-Huế-Sài Gòn (Hoàng Vân), Vũ Khúc Tây Nguyên (Đức Nhuận)… Nhiều nghệ sĩ đàn bầu thành danh được công chúng mến mộ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT như: Mạnh Thắng, Xuân Ba, Hồ Khắc Chí, Thanh Tâm, Đức Nhuận, Nguyễn Tiến, Đoàn Anh Tuấn, Hoàng Anh Tú…


Cuối năm 2014, Câu lạc bộ "Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam" ra đời, phối hợp Học viện tổ chức Nhạc hội đàn bầu năm 2014-2015, quy tụ được nhiều nghệ sĩ đàn bầu chuyên nghiệp và không chuyên trong và ngoài nước tham dự. Là người phục chế cây đàn bầu mộc đầu tiên từ năm 1990, mấy năm gần đây, NSND Xuân Hoạch đã đưa đàn bầu trở lại biểu diễn tại chiếu xẩm Hà thành ngay phố cổ, được khán giả Thủ đô và du khách hưởng ứng.


Còn nhớ, cùng thời điểm này của năm 2016, Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam”; tiếp tục khẳng định nguồn gốc, vị trí cây đàn trong đời sống âm nhạc, xã hội của nước nhà. NSND Thanh Tâm kiến nghị rằng, đã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị công nhận cây đàn bầu của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bởi đàn bầu là nhạc cụ của người Việt Nam, có mặt và có vị thế trong đời sống xã hội Việt Nam; có gốc gác, lai lịch, truyền thống từ các truyền thuyết, giai thoại dân gian. Đặc biệt, đàn bầu với tư cách là một giá trị văn hóa Việt Nam thường xuyên được giới thiệu ở nước ngoài như một "Đại sứ âm nhạc". 


NSND Nguyễn Tiến, người có công mang âm sắc của đàn Bầu ra với thế giới khẳng định: “Cây đàn Bầu Việt Nam là cây đàn độc đáo, phù hợp với tâm hồn, tình cảm của người Việt Nam. Người Việt sống cởi mở nhưng sâu lắng, dịu dàng, tình cảm. Song, người Việt cũng trải qua nhiều sự mất mát đau thương của những cuộc chiến tranh nên vẫn ẩn sâu trong đó những nỗi buồn mà chỉ đàn Bầu mới có thể thể hiện hết”.


Thời xưa, đàn Bầu thường được chơi ở nhà ga, bến chợ, bến xe và làm nền cho người ta hát thì ngày nay, đàn Bầu cũng có thể lên được những sân khấu lớn, chơi cùng với dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc giao hưởng. Từ việc chỉ chơi những bản nhạc dân gian thì ngày nay, đàn Bầu cũng thể hiện được những bản nhạc Pop, World music... Đàn Bầu ngày càng đi vào quần chúng và đời sống tinh thần của người Việt, giống như một biểu tượng về âm nhạc của Việt Nam bên cạnh nón lá, áo dài.


DUY MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội